Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà.
Thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về “Chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Hướng dẫn số 82 – HD/BTGTW, ngày 12/6/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Xây dựng nội dung và thực hiện chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp”. Ngày 29/6/2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 87 – KH/TU về “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020”, trong đó quy định “… ít nhất hai năm một lần, cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 3, 4, 5 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định của Trung ương”.
Theo thống kê, hiện nay số lượng cán bộ, đảng viên trên toàn tỉnh là 43.092 đồng chí, trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tương đương quản lý (đối tượng 3) có khoảng 400 đồng chí, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy và tương đương quản lý (đối tương 4) có khoảng 1.100 đồng chí, đối tượng cán bộ đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5) có khoảng 41.500 đồng chí.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2015 đến năm 2017, toàn tỉnh đã mở được 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 4 với số lượng là 290 đồng chí, 6 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5) với số lượng là 480 đồng chí.
Nhìn lại công tác bồi dưỡng, cập nhận kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ đảng viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua có một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất: Đối với cán bộ thuộc đối tượng 3, 4 hiện nay nhu cầu cần được bồi dưỡng cập nhật kiến thức hàng năm rất nhiều nhưng ngân sách của tỉnh chi cho công tác đào tạo bồi dưỡng còn hạn hẹp gây khó khăn trong công tác tổ chức mở lớp.
Thứ hai: Đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5): Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng này được phân cấp cho các huyện, thị, thành ủy và tương đương mà cụ thể là các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, tuy nhiên nguồn ngân sách của huyện dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng còn ít so với nhu cầu cần được bồi dưỡng, cập nhật. Ngoài ra, chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn chậm được đổi mới, nặng về lý thuyết, thiếu các kỹ năng thực hành và tổng kết thực tiễn, thiếu việc trang bị kỹ năng và phương pháp làm việc nên hiệu quả học tập chưa thật sự cao. Một số nội dung chương trình học tập còn trùng lặp với nội dung các chương trình khác như Sơ cấp lý luận chính trị, chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh… gây ra tâm lý nhàm chán đối với học viên.
Thứ ba: Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thật sự coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên, dẫn đến việc bị động trong việc cử đối tượng đi học. Nhu cầu đào tạo chưa thật sự gắn với kế hoạch, quy hoạch bố trí, sửu dụng cán bộ của cơ quan đơn vị dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên được bỗ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý nhưng trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ tư: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức còn thấp nên còn có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, chưa thực sự coi trọng việc học tập, còn có tâm lý học đối phó, tham gia khóa học không nghiêm túc, viết bài thu hoạch học tập sơ sài… Việc vận dụng các kiến thức mới được cập nhật vào công tác chuyên môn chưa được chú trọng, nên hiệu quả sau đào tạo chưa được phản ánh một cách đầy đủ khách quan.
Thứ 5: Đội ngũ cán bộ, giảng viên tại một số trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, thiếu các kinh nghiệm thực tế, nên việc giảng dạy, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ đảng viên ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tiễn đó, để việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ đảng viên ở cơ sở trở nên có nề nếp hơn, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Cấp ủy các cấp cần nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên ở cơ sở, từ đó, bố trí nguồn ngân sách hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức mở lớp bồi dưỡng, cập nhật.
Hai là: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nên xây dựng kế hoạch cụ thể về nhu cầu cần được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, đảng viên của đơn vị mình, tạo thuận lợi cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm.
Ba là: Cấp ủy cấp huyện và tương đương cần có kế hoạch cụ thể xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên ở cơ sở hiện nay chủ yếu do các trung tâm BDCT đảm nhiệm, vì vậy về lâu dài phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo về chất lượng, có thể cử giảng viên đi thực tế về các huyện, các xã một thời gian để tăng thêm hiểu biết về thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên trẻ học tập, nâng cao trình độ.
Tóm lại, hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước nói chung và của hệ thống hành chính nói riêng được quyết định bỡi phẩm chất năng lực và kết quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ đảng viên ở cơ sở, những phẩm chất năng lực này lại phụ thuộc nhiều vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên cho họ. Trong điều kiện của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên là một việc làm cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như sự ý thức của mỗi một cán bộ, đảng viên. Châu Minh