Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021 - 2030 

Ngày 3/1, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021 – 2030. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Lê Sơn


*Lõi nghèo nằm ở vùng dân tộc thiểu số

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Trong số này, có 5 dân tộc trên 1 triệu người, 16 dân tộc dưới 10.000 người gồm 5 dân tộc dưới 1.000 người. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở miền núi, biên giới, xen cư với nhau. Đồng bào sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. 

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, miền núi, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao trong công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào thiếu đói không được trợ giúp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn là thách thức lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách dân tộc, miền núi không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với định hướng phát triển chung, nhất là hỗ trợ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Song, hệ thống chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, trùng chéo. Nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng của từng vùng, chưa khuyến khích được đồng bào vươn lên tự thoát nghèo. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động, phân bổ nguồn lực, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND các cấp. 

Phó Thủ tướng nêu lên thực tế thu nhập bình quân hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40 – 50% bình quân trong khu vực. Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn. Khoảng 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh còn thấp. Năng lực, trình độ của cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở của một số địa phương còn yếu. Nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc chậm được phát hiện, giải quyết. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, so với mức bình quân chung còn một khoảng cách khá xa. Hơn 54 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58 nghìn hộ thiếu đất ở, 223 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ, chưa được giải quyết thấu đáo.

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận, dù Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, song, hiện nay, trong tổng số vùng khó khăn, hộ nghèo, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang chiếm tỷ lệ cao. Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có nhiều khó khăn, nhưng có thể “gói” lại trong 7 chữ “Đ”, đó là đói, đau (ốm đau), đọc (học vấn), đường, điện, địch (các thế lực thù địch bên ngoài, ma túy, mại dâm…), đắc (nước). Lõi nghèo hiện nay cũng ở vùng này. Cả nước hiện có trên 100 chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhưng các chính sách phần lớn manh mún, phân tán, nhỏ lẻ. Chúng ta nói nhiều đến tích hợp chính sách nhưng chưa làm được. Hiện còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng bên cạnh đó là 21 chương trình mục tiêu và các chương trình này dồn sức cùng với chương trình mục tiêu quốc gia cũng chưa làm được trọng trách đó. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang thiếu nhất là đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và sinh kế gắn với đào tạo nghề để phát triển bền vững.

Theo nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là đau chỗ nào chữa chỗ đó, khát chỗ nào uống chỗ đó, thiếu chỗ nào cho chỗ đó, chưa tính dài hơi, căn cơ.

*Cần có chính sách dài hơi và căn cơ hơn

Nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều người chưa thật lòng, nhiều cán bộ chưa thật lòng với vùng đồng bào dân tộc, cần xem lại chính sách cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu Ksor Phước (nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội), Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lươc phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng chính sách cần nhắm vào lợi thế của địa phương, chọn ra những điểm nghẽn, vướng mắc, có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đặt vấn đề: cùng 1 làng, cùng 1 dân tộc, người trượt đại học được cử tuyển, nhà nước hỗ trợ, còn người thi đỗ thì mang tiền bố mẹ đi học, vậy hỗ trợ người thi trượt được học hay người đỗ đi học? Ông cho rằng Nhà nước phải hỗ trợ người thành công, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, nhưng với 16 dân tộc dưới 10.000 người thì vẫn phải hỗ trợ đào tạo họ. 

Chúng ta có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, diện thì rộng nhưng đầu tư thì thấp. Mỗi năm một xã chỉ được đầu tư 1 tỷ đồng, mỗi thôn đặc biệt khó khăn chỉ được đầu tư 200 triệu đồng. Với khoản đầu tư như vậy không thể làm được việc gì “ra ngô, ra khoai”, ông Đỗ Văn Chiến nói. 

Ông cho rằng, số xã khó khăn được hỗ trợ có thể giảm xuống, nhưng mức đầu tư phải tăng lên để có nguồn lực đầu tư “ra tấm ra miếng”. Đồng thời thu gọn đầu mối quản lý chính sách, phân cấp triệt để đến đối tượng thụ hưởng chính sách, loại bỏ tất cả các khâu trung gian. Trung ương ban hành chính sách khung, phân bổ nguồn lực, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, cấp tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện chính sách.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đưa vào chương trình công tác năm 2019 xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2018. Phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách quan trọng là tạo điều kiện học tiếng Việt, kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo các điều kiện dự bị tốt thì việc tiếp cận của đồng bào sẽ tốt, nếu như tiếng Việt không rành rẽ, tiếp thu thiếu căn bản thì các cấp học về sau càng khó khăn. Các ngành giáo dục – đào tạo, lao động – thương binh và xã hội cần tính toán, nghiên cứu lại chính sách đào tạo, trường nội trú…

Bà Reachbha FitzGerald, Phó ban Phát triển – Đại sứ quán Ireland khuyến nghị, nguồn vốn quốc gia này hỗ trợ phải được phân bổ càng sớm, càng tốt để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả với sự tham gia đầy đủ của người dân và đảm bảo khả năng giải trình với các bên liên quan. Ủy ban Dân tộc nên tạo điều kiện cho các tỉnh cùng chia sẻ về các tác động cũng như khâu quản lý chương trình. Sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng cần được khuyến khích mạnh mẽ trong các hoạt động đề xuất, lựa chọn, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng./.

Theo TTXVN

650 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 826
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 826
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87179679