Thực phẩm chức năng: Sẽ không còn loay hoay trong cách quản lý? 

(Chinhphu.vn) – Thực phẩm chức năng ở nước ta đang phát triển với tốc độ “chóng mắt”, kéo theo đó là các dịch vụ về quảng cáo, bán hàng… dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, từ tháng 7/2019, quy định chính thức áp chuẩn GMP đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường thực phẩm chức năng đảm bảo về chất lượng.

 

Giữa cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong được nhân viên tư vấn gọi điện mời mua thực phẩm chức năng giảm cân đã bị Cục ATTP thu hồi giấy phép. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Các “chiêu trò” cố tình vi phạm về quảng cáo

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang web hiện nay là hình thức rất phổ biến. Trong đó, có không ít trường hợp trang web quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều sản phẩm, trang web và doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cũng có nhiều trường hợp công ty vi phạm quảng cáo trên web, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty nhưng trang web thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang web) để xử lý theo quy định.

Còn đối với những trường hợp sản phẩm được tư vấn qua nhân viên gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng mà chính Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng đã được tư vấn, thì lãnh đạo Cục cho rằng, rất khó xử lý, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Chính vì vậy, khi dùng bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, cũng cho biết, khi sử dụng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nếu thấy sản phẩm được quảng cáo là chữa được bệnh như ung thư, gout... thì biết ngay đó là hàng giả, vì hiện nay chưa có thuốc gì chữa được ung thư, mà tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh.

Thậm chí có doanh nghiệp đăng ký ở một địa chỉ nhưng thực tế sản xuất tại địa chỉ khác, khi bán được hàng thì mở công ty, không bán được thì bỏ nhưng website quảng cáo bán hàng vẫn còn.

Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu về truyền thống lịch sử hoạt động của công ty có sản phẩm mình đang cần. Một trong những phương pháp để quản lý an toàn thực phẩm của nước Mỹ là dựa vào truyền thống. Nếu công ty đó có hệ thống sản phẩm truyền thống tốt thì đó là một tiêu chí để lựa chọn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng chia sẻ, TPHCM đã xử lý rất nhiều vụ việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, thậm chí có công ty bị phạt vài trăm triệu.

Tuy nhiên, tần suất quảng cáo thực phẩm chức năng bị thổi phồng tác dụng dưới nhiều hình thức khác nhau đã khiến một bộ phận người bệnh xao nhãng việc điều trị hiện tại, quay sang sử dụng thực phẩm chức năng. Và khi đó, người bệnh phải chi trả với giá quá đắt nhưng lại không xứng đáng với chất lượng, đặc biệt họ còn bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh.

“Thuốc còn có quản lý giá, nhưng thực phẩm chức năng hiện nay được ví giống như mỹ phẩm, được bày bán khắp nơi, giá càng cao, người tiêu dùng càng tin”, bà Phong Lan chia sẻ.

 

Thực phẩm chức năng cần được bày bán trong các hiệu thuốc và có hướng dẫn rõ ràng thực phẩm chức năng không phải là thuốc. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Hướng dẫn chuẩn GMP cho doanh nghiệp

Hiện nay, nước ta có khoảng 1.700 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với khoảng trên 4.000 sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường.

Để hạn chế tình trạng “bát nháo” của thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, việc xây dựng quy chuẩn GMP là cơ hội lớn và cũng thách thức để hoàn thiện sân chơi chung cho các doanh nghiệp. Đến tháng 7 tới, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ phải có chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) mới tiếp tục được sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi mình để đứng vững trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này.

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt quy chuẩn GMP, Cục An toàn thực phẩm cũng đã tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy trình cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên những doanh nghiệp có đề nghị về hướng dẫn, tư vấn theo chuẩn GMP. Hiện nay, Cục đã tư vấn, hướng dẫn cho khoảng 7 doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này, nước ta đã có khoảng 40 doanh nghiệp đạt chứng chỉ GMP về sản xuất thực phẩm chức năng, chưa kể các doanh nghiệp sản xuất thuốc đã đạt GMP, và cũng sản xuất thực phẩm chức năng. Dự kiến, tháng 7 tới sẽ có khoảng 200-300 doanh nghiệp đạt chứng nhận này.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, các doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện chuẩn GMP thường hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, quy trình theo dõi sản phẩm, quy trình hồ sơ tài liệu chưa đạt…

Nên bán thực phẩm chức năng trong các hiệu thuốc?

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, thực phẩm chức năng là vấn đề mới bùng nổ hiện nay ở nước ta và cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay cách quản lý.

Ở các quốc gia trên thế giới, thực phẩm chức năng được chia thành 2 loại: Thứ nhất là quản lý như thực phẩm. Khi đó, thực phẩm chức năng được bày bán tự do trong siêu thị, chợ… Thứ hai là quản lý thực phẩm chức năng gần như thuốc.

“Nước ta đang lựa chọn việc quản lý thực phẩm chức năng như cách thứ 2 là quản lý gần như  thuốc. Và tôi khẳng định, việc quản lý thực phẩm chức năng theo  chiều hướng gần với thuốc sẽ tốt hơn việc quản lý theo hướng là thực phẩm thông thường. Đặc biệt, sắp tới, chúng ta sẽ áp chuẩn GMP, khi đó sẽ loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, loại bỏ nhiều sản phẩm kém chất lượng”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Hiện nay, người dân thường mua thực phẩm chức năng qua 2 hình thức là hàng xách tay và tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, với hàng xách tay – không có kiểm tra, bảo hộ của Nhà nước nên các sản phẩm này chỉ là may rủi. Còn đối với các sản phẩm được bày bán trong các nhà thuốc, ngành y tế đang và sẽ phối hợp với quản lý thị trường để mở các đợt kiểm tra rà soát các nhà thuốc, nếu phát hiện sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc hoặc thực phẩm chức năng giả sau khi kiểm nghiệm thì sẽ xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

“Cái gì cũng có 2 mặt nhưng ta nên chọn cái gì ít mặt xấu, nhiều mặt tích cực hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, cần phải được quản lý gần như thuốc. Khi đó, người dân mua thực phẩm chức năng tại các cửa hàng thuốc sẽ yên tâm và tin tưởng hơn. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi yếu  tố tâm lý ở nhiều người, khi mua thực phẩm chức năng trong hiệu thuốc thì nghĩ đó là thuốc, vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền tới người dân rằng thực phẩm chức năng không phải là thuốc”, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết.

Thúy Hà

619 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1207
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1207
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102292