THỰC HIỆN TỐT QUY CHẾ LÀM VIỆC- GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CẤP ỦY 

Quy chế làm việc của mỗi cấp ủy là văn bản cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nguyên tắc, chế độ quy định, điều chỉnh hoạt động của tổ chức cơ sở đảng. Nội dung quy chế thường quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và từng cấp uỷ viên, cũng như quy định các mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những điều khoản quy định trong quy chế buộc tất cả mọi thành viên trong cấp uỷ phải tuân thủ, chấp hành, thực hiện triệt để, giúp lãnh đạo được tập trung, thống nhất và toàn diện.

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế làm việc của cấp uỷ là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của một tổ chức đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy tốt trách nhiệm cá nhân cấp uỷ viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác. Yêu cầu nội dung quy chế phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp uỷ (ban chấp hành, ban thường vụ) và trách nhiệm, quyền hạn cá nhân của các ủy viên cấp uỷ, nhất là của bí thư, các phó bí thư, các cán bộ chủ chốt lãnh đạo ngành, lãnh đạo tổ chức chính quyền ở địa phương, đơn vị cơ sở. Đồng thời, nội dung Quy chế làm việc của cấp uỷ phải quy định rõ sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị cơ sở. Mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng đối với HĐND, UBND, mặt trận và các đoàn thể cũng phải được xác định cụ thể, phân rõ trách nhiệm lãnh đạo và điều hành giữa cấp uỷ đảng và các tổ chức chính quyền. Những nội dung này rất quan trọng trong Quy chế làm việc của các cấp ủy, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân thông qua mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng ta đã xác định Đảng lãnh đạo, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn, thông qua các chỉ thị, nghị quyết; Đảng làm nhiệm vụ định hướng thông qua các giải pháp lớn; Đảng lãnh đạo thông qua đảng viên, thông qua các tổ chức đảng, các cấp ủy, thông qua kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chỉ thị, nghị quyết. Đảng không can thiệp vào việc điều hành của Nhà nước và các đoàn thể. Đảng kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể. Làm tốt được các vấn đề trên sẽ khắc phục được tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời khắc phục tình trạng cấp uỷ làm thay, lấn sân công việc của chính quyền, tránh được vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Trong trường hợp không xác định rõ và thực hiện đúng trách nhiệm, các mối quan hệ và chấp hành nghiêm các điều khoản Quy chế quy định có thể sẽ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng chức quyền để làm việc sai trái. Điều đó đặt ra yêu cầu xây dựng nội dung Quy chế cần đảm bảo tính khoa học trong điều hành hoạt động của Đảng; phải quy định rõ chế độ làm việc và phương pháp công tác; quy định rõ chế độ sinh hoạt, trao đổi hội ý, hội họp trong cấp uỷ; chương trình làm việc với tổ chức đảng cấp dưới và với các ban, ngành khác, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy bằng nguyên tắc, khắc phục cách làm việc cảm tình, tùy tiện, chạy theo sự vụ.

Qua nghiên cứu xem xét thực tế cho thấy, hầu hết các cấp ủy ngay sau đại hội đã xây dựng được Quy chế làm việc theo đúng với hướng dẫn của Trung ương và của cấp trên; các cấp uỷ đảng đã bám sát quy chế, tổ chức phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với tập thể cấp uỷ và từng uỷ viên; đã xây dựng được chương trình công tác và chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm; các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được duy trì và thực hiện tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tổ chức đảng ở các cấp xây dựng được hệ thống quy chế làm việc khoa học, chặt chẽ, vận hành thông suốt, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực trong lãnh đạo thì cũng có không ít tổ chức đảng chưa làm tốt. Những vụ việc tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp luật thời gian gần đây đã cho thấy nổi lên một số biểu hiện chung rất đáng lưu tâm và khá phổ biến là có “lỗ hổng” với nhiều mức độ khác nhau trong xây dựng, vận hành quy chế làm việc của cấp ủy đảng.  Biểu hiện dễ thấy nhất là một số cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng, ban hành quy chế làm việc. Có cấp ủy xây dựng quy chế mang tính đối phó, chỉ nhằm phục vụ mục đích kiểm tra của trên, hoặc có xây dựng nhưng không thực hiện đúng Quy chế đã đề ra; thậm chí có cấp uỷ còn hoạt động theo kinh nghiệm và hầu như không cần đến quy chế, dẫn đến có sự lẫn lộn giữa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân, thậm chí có biểu hiện lợi dụng chủ trương của tập thể, lợi dụng chức quyền để thực hiện ý đồ cá nhân dẫn đến nội bộ thiếu thống nhất, tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng". Những biểu hiện trên đã dẫn đến hiện tượng phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên chung chung, chồng chéo, không rõ nhiệm vụ chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm... nên đã làm cho hiệu lực lãnh đạo giảm sút. Những nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng chạy theo sự vụ để giải quyết và nếu khi gặp khó khăn, vướng mắc thì đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong tổ chức đảng. Có trường hợp bỏ qua quy chế và thực hiện phương châm “tiền trảm hậu tấu” trong công tác cán bộ, gây ra những hậu quả hết sức đáng tiếc. Hoặc có nhiều vụ việc tổ chức đảng chỉ đạo giải quyết “lấn sân”, vượt thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đã làm cho chính quyền không phát huy được tính chủ động, tạo ra tiền lệ xin ý kiến cấp ủy trong mọi việc. Lại có tình trạng nhầm lẫn quy chế làm việc với chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, cho nên nội dung của quy chế chủ yếu là nhắc lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà không quy định cụ thể về mối quan hệ xử lý công việc; chế độ làm việc; phương thức hoạt động… thậm chí không đề cập đến các mối quan hệ cơ bản và cách thức phối hợp giữa cấp ủy đảng với chính quyền. Nhiều quy chế được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ đến khi kết thúc nhiệm kỳ không có một sự bổ sung nào dù tình hình hoạt động thực tiễn đã có nhiều thay đổi…Những hiện tượng nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân cấp ủy đảng xây dựng, vận hành quy chế làm việc kém hiệu quả đẫn đến hậu quả khó lường, nhất là sự lẫn lộn giữa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân, dẫn đến những vi phạm trong thực hiện nguyên tắc và chế độ công táC, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.

Để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiệu quả, thì cần xây dựng quy chế đúng nguyên tắc, khoa học, chặt chẽ và tổ chức vận hành quy chế hiệu quả. Điều đáng lưu ý là việc xây dựng quy chế làm việc của các cấp ủy đảng cần được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân thông qua mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.  Quy chế cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp uỷ và của từng đồng chí ủy viên. Cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với quản lý điều hành của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn từng công việc cụ thể, qua đó phát huy vai trò làm chủ của mặt trận, các đoàn thể, từ đó mới nâng cao được năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ. Các điều khoản, các quy định trong quy chế của một cấp ủy cần bảo đảm tính khoa học, phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và phù hợp với các quy định của cấp trên. Quá trình xây dựng, nhất là thực hiện Quy chế các cơ quan tham mưu giúp việc cần thường xuyên giúp cấp ủy rà soát phát hiện những điều cần sửa đổi và bổ sung, kịp thời đưa vào Quy chế những nội dung mớị phù hợp và đặc biệt là khi thấy cấp uỷ giải quyết công việc chưa đúng với Quy chế cần phải kịp thời góp ý, đề xuất tham mưu để giúp lãnh đạo chấn chỉnh, sửa chữa không mắc sai lầm. Đối với các đồng chí được phân công lãnh đạo cấp uỷ cần phải biết lắng nghe và xử lý tốt các thông tin để có quyết định chính xác, đúng đắn. Mặt khác, cấp ủy cấp trên cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế của cấp ủy cấp dưới để làm rõ những ưu điểm và kịp thời uốn nắn việc làm chưa đúng, những thiếu sót, tùy tiện và việc làm vi phạm quy chế, lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa tập thể để giải quyết công việc theo động cơ cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định quy chế, nhất là bí thư, các phó bí thư, các cấp ủy viên trong giải quyết công việc. Phải đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân, luôn có sự phối hợp chặt chẽ, vận dụng xử lý linh hoạt các mối quan hệ, thực hiện đúng phương châm “tròn vai, thuộc bài”, khắc phục tư tưởng “quyền tôi, quyền anh” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tóm lại, xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy là một trong những biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, đảng bộ, chi bộ, đơn vị. Qua theo dõi các huyện, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc của tỉnh cho thấy, ngay sau khi hoàn thành đại hội Đảng bộ, Ban thường vụ cấp ủy đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế làm việc phù hợp với nhiệm vụ và hoạt động của từng loại hình với sự kiểm tra chặt chẽ. Tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm cần thiết này sẽ giúp các quy chế hoạt động của các cấp ủy có ý nghĩa thực tiễn hơn, qua đó phát huy được vai trò của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hải Yến

25707 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1448
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1448
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109095