Thực hiện tốt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là pháo đài vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta 

Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng chính là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Trong niềm vui khôn xiết đó, chúng ta phải đối mặt với những thử thách hết sức nguy hiểm, nhất là sự chống phá ráo riết của các phần tử phản động trong nước và các thế lực thù địch ngoài nước, âm mưu xóa bỏ chế độ cộng hòa non trẻ ở Việt Nam. Trong tình thế cấp bách đó, Đảng ta luôn xem vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các âm mưu, luận điệu sai trái của kẻ thù là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng ta.

Công tác tư tưởng là vũ khí sắc bén trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là sự kết hợp chặt chẽ giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội khoa học và quy luật phát triển tiến hóa của lịch sử loài người, áp dụng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí minh từng khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công thì “cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[1]. Thực tiễn chứng minh, trải qua 13 kỳ đại hội Đảng, công tác chính trị tư tưởng luôn được đặt vị trí hàng đầu, phần trang trọng nhất trong các Văn kiện đại hội Đảng, cho thấy tầm quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Với quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ đến cùng nền tảng tư tưởng, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt khôn khéo, mềm dẻo qua mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau. Điển hình là vào tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” và thành lập Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật và tiếp tục nhiệm vụ tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng một cách công khai, nhằm bảo vệ nền cộng hòa non trẻ mới thành lập, cùng với việc ký kết các Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 để có thời gian chuẩn bị, củng cố tinh thần và lực lượng chiến đấu. Đây được xem là quyết định đầy quyết đoán và khôn khéo, phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển biến theo hướng chuẩn bị tổng tấn công, Đảng ta tổ chức Đại hội lần thứ II (1951), đánh dấu mốc lịch sử trọng đại với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, khẳng định bước trưởng thành về mặt đường lối và tư tưởng chính trị của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến. Đại hội đã phân tích kỹ vấn đề mở rộng dân chủ, tăng cường tập trung và phát triển phê bình, tự phê bình trong Đảng. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng, trấn an tư tưởng Nhân dân, Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại nhận khuyết điểm, sai lầm trong công cuộc cải cách ruộng đất giai đoạn 1953-1956, xử lý nghiêm minh những cán bộ cấp cao vi phạm trong đợt cải cách này, kể cả người đứng đầu. Đến Đại hội lần thứ III (1960), với những quyết sách mang ý nghĩa lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”, [2]để đảm bảo thắng lợi đó, cần phải “thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản…”[3]. Có thể thấy, trải qua các thời kỳ đại hội, vấn đề chăm lo quyền, lợi ích nhân dân vẫn luôn được Đảng ta quan tâm đặt lên hàng đầu, bởi vì Đảng nhận thức sâu sắc rằng, đảm bảo sự ổn định trong Nhân dân cũng chính là nền móng vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu như đại hội IV của Đảng (1976) là đại hội có tính chất tổng kết với sự toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, thì đại hội lần thứ V với chủ đề “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc Nhân dân”, đã có những quyết định chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong điều kiện mới, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những sai lầm “phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”. Song song với chiến lược phát triển kinh tế, Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ và chủ trương, như Báo cáo đại hội đã đề ra “chăm lo xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng”[4]. Đến đại hội VI “khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học”, quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Nhân dân ta giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, đặt những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới. Đảng và Nhà nước cũng vấp phải không ít những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý đòi hỏi Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng đất nước để có sự định hướng đúng đắn trong thời gian tới. Tất cả những sai lầm, khuyết điểm đó đều bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ của Đảng. Trên cơ sở đó, Đại hội rút ra bài học kinh nghiệm “…Đảng phải quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” đồng thời chỉ đạo tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội”[5]. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, để kịp thời chấn chỉnh và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 8/1989  quyết nghị một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng “nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực…” cho thấy Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng phải đương đầu với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Đứng trước những thách thức đó, đại hội VII đã rút ra năm bài học kinh nghiệm bước đầu, trong đó quan trọng nhất, chính là “Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vai trò lãnh đạo xã hội. Đảng phải tự đổi mới và chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”[6] là những văn kiện hết sức quan trọng đã được thông qua tại đại hội. Những chỉ thị, nghị quyết của Đảng không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực, góp phần cũng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng,“từ năm 1989 trở đi, nước ta đã bắt đầu xuất khẩu được mỗi năm 1-1,5 triệu tấn gạo; lạm phát giảm dần; đến năm 1990 còn 67,4%. Việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn đạt những tiến bộ rõ rệt. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bước đầu được hình thành. Đời sống của nhân dân được cải thiện, dân chủ trong xã hội được phát huy”.[7] Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên thế và lực cho đất nước phát triển, nhiều tiền đề quan trọng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được tạo ra, song đại hội VIII cũng nhấn mạnh rằng, nhiều thách thức, nguy cơ không thể xem nhẹ, đe dọa nền tảng tư tưởng của Đảng. “Trước tiên là nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chặn được. Năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Điều đáng lo ngại là không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức; sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở đảng suy yếu”[8]. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII Đảng ta đã có một quyết định đặc biệt và cần thiết, đó là tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tại hội nghị này, lần đầu tiên Đảng ta ban hành một nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” ra đời nhằm chấn chỉnh, chỉnh đốn kịp thời, “để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ”[9]. Chỉ trong 10 năm từ 2011 đến 2021, đã có nhiều nghị quyết, quy định quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành, trong đó có Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021“về những điều đảng viên không được làm”,…Những nghị quyết, quy định trên đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, như đại hội XIII của Đảng khẳng định “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”. Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, với quan điểm “không có vùng cấm”, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ khóa XII, “các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý)”[10]. Kể từ sau đại hội XIII, số lượng đảng viên bị kỷ luật vẫn tiếp tục tăng lên.

Công tác tư tưởng của Đảng gắn với việc tăng cường đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Mỗi cán bộ, đảng viên phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân, hiểu rõ cội nguồn dân tộc và sức mạnh của tinh thần yêu nước. Thực hiện nghị quyết các đại hội, những cuộc vận động về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng được Bộ Chính trị triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua việc ban hành Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội X của Đảng; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Lần đầu tiên trong Văn kiện đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí minh” được nhấn mạnh chính thức trong đại hội, Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ra đời, gắn trọng tâm với công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với “15 tập thể và 21 cá nhân; thi hành kỷ luật 1.030 đảng viên, cấp uỷ đảng các cấp đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng“[11].

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước đây, hiện nay và những năm tháng tới, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ luôn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta với những hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn, trong đó tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt Ba nhiệm vụ trọng tâm và Ba giải pháp đột phá mà đại hội đã đề ra, đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng “đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”, yếu tố quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của đảng, kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” chính là pháo đài vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./. Hồng Lĩnh

1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, T391

[2] Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng

[3] Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982

[5] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd , t.51

[7] Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khóa VII tại ĐHĐBTQ lần thứ VIII của Đảng

[8] Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khóa VII tại ĐHĐBTQ lần thứ VIII của Đảng

[9] Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTWĐ khóa VIII

[10] Báo cáo của BCHTWĐ khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng

[11] Báo cáo số 60-BC/TU, ngày 04/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị

532 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 825
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 825
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76777429