THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG 

74 năm qua (27/7/1947 – 27/7/2021), từ khi Ngày Thương binh – Liệt sĩ toàn quốc chính thức được công nhận, dân tộc Việt Nam đã tri ân sâu sắc và biết ơn vô hạn các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa Ngày Thương binh – Liệt sĩ và công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”.

Từ những kết quả đạt được trong việc ưu đãi người có công với cách mạng thời kỳ đổi mới, nhất là trong 10 năm 2011 – 2020, Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách xã hội ở nước ta trong bối cảnh: “… quá trình đô thị hóa tạo sức ép về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống người dân. Già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Mặt khác, bên cạnh việc ghi nhận những thành quả đạt được về phát triển xã hội, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần được khắc phục, như: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa được hài hòa”.

Khắc phục những hạn chế đối với một số vấn đề xã hội đặt ra và chủ động thích ứng với bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh cần phải tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”. Đại hội chủ trương: “Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.

Thực hiện chủ trương tại Đại hội XIII của Đảng, 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã triển khai kế hoạch làm việc với lãnh đạo một số địa phương Cà Mau, Kon Tum, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế… về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tập trung vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách ưu đãi; việc giải quyết chính sách sau thanh tra và việc hỗ trợ đầu tư, cải tạo sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tiến hành công nhận người có công với cách mạng. Đặc biệt là tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội. Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 Bằng Tổ quốc ghi công; Tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định AND gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ, đồng thời cập nhật vào dữ liệu của Ngân hàng gen (Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các cấp, các ngành và địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.

Trên địa bàn tỉnh ta, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, công tác Thương binh - Liệt sĩ được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tích cực triển khai kế hoạch hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Sở đã tham mưu UBND tỉnh về đối tượng tặng quà, mức thăm cho các đối tượng chính sách; hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước cho đối tượng chính sách người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trao tặng 29.030 suất quà cho người có công và gia đình chính sách người có công, kinh phí quà tặng 8.866,8 triệu đồng. Ban hành 09 Quyết định điều dưỡng cho đối tượng người có công và thân nhân năm 2021 với số lượng 8.017 người (1.025 người điều dưỡng tập trung, 6.992 người điều dưỡng tại nhà), tổng số tiền hơn 10.360 triệu đồng; Quyết định trang cấp phương tiện dụng cụ chỉnh hình cho các địa phương với tổng số 241 người, kinh phí hơn 607 triệu đồng. Chỉ đạo đưa Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội vào hoạt động, đợt đầu đã tổ chức điều dưỡng cho 34 đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Công tác điều dưỡng đã được triển khai chu đáo, các đối tượng rất hài lòng và đánh giá cao sự phục vụ của Trung tâm cũng như các chính sách, chế độ của Nhà nuớc về công tác điều dưỡng.

 Sở đã tham mưu UBND tỉnh về việc chọn mẫu mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Phối hợp tổ chức Lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng 40 hài cốt liệt sĩ được đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 968 tìm kiếm, cất bốc tại thôn Tân Xá, xã Ba Lòng, huyện Đakrông và 24 hài cốt liệt sĩ là Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Rà soát các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh để cung cấp bổ sung thông tin tài liệu đề nghị UBND thành phố Hải Phòng nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, đồng thời có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

 Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện đầy đủ, hiệu quả, công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đến ngày 20/6/2021, Sở đã tập trung thụ lý và giải quyết giải quyết 1.474 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó hưởng trợ cấp hàng tháng có 98 hồ sơ, trợ cấp một lần 953 hồ sơ và 393 hồ sơ khác; trả lời 30 đơn thư liên quan đến chế độ chính sách người có công và thân nhân người có công. Các cơ quan, tổ chức đã trao tặng kinh phí để xây dựng mới 18 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 1.410 triệu đồng, sửa chữa 16 nhà tình nghĩa với số tiền 485 triệu đồng (Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều tháng 7/2012 và tháng 12/2020). Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; nâng cao đời sống người có công, bảo đảm đến năm 2025 mọi người có công đều được xác nhận, công nhận, tôn vinh và thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước…

Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt  sỹ (NTLS), với gần 60.000  mộ liệt sĩ, trong đó có 63 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Ngoài 02 NTLS quốc gia Trường Sơn và Đường 9, một số NTLS cấp huyện, cấp xã có số mộ khá lớn như NTLS huyện Vĩnh Linh: 5.604 mộ, NTLS xã Hải Thượng 1.997 mộ, NTLS xã Hải Phú 1.964 mộ, NTLS xã Hải Trường 1.325 mộ…. Hiện nay, người làm công tác quản trang chưa có phụ cấp, kinh phí hỗ trợ cho người làm công tác quản trang hết sức khó khăn. Thực hiện Kết luận của Bộ trưởng Bộ Lao động -TBXH tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị vào tháng 7/2019,  trong năm 2021, UBND tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ cho những người làm công tác quản trang cấp xã bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Các năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục vận động để thực hiện nội dung này.

Hiện nay, tỉnh có 24.720 bia mộ cần thay đổi thông tin với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Năm 2021, Bộ Lao động-TBXH đã bố trí 2,6 tỷ đồng để thực hiện việc điều chỉnh. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh sẽ thực hiện việc thay đổi thông tin khoảng 6.351 bia mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, còn 18.369 mộ liệt sỹ chưa được điều chỉnh thông tin với kinh phí 11,4 tỷ đồng, tỉnh đang tìm giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện chủ trương ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021) là dịp để mỗi người Việt Nam cùng tưởng nhớ, khắc sâu trong tâm khảm sự biết ơn về những cống hiến, hy sinh lớn lao của các thương binh, liệt sĩ, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chung tay, góp sức làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. Phan Văn Lãn

1044 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 624
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 624
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76833799