Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học ở huyện Đakrông 

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Đakrông được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo thực hiện một cách toàn diện. Với quyết tâm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển vững chắc.

Ngày 01/7/2016, BCH Đảng bộ huyện khoá V đã ban hành Kết luận số 08-KL/HU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 07/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IV, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Hội đồng nhân dân huyện thông qua Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 28/12/2016 về phát triển giáo dục và đào tạo huyện giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND huyện Đakrông đã tích cực chỉ đạo Phòng GD&ĐT nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá; nâng cao chất lượng đội ngũ; chất lượng giáo dục.

Hệ thống giáo dục các cấp học, ngành học được mở rộng và phát triển. Năm học 2019-2020, toàn huyện có 38 trường học và 01 Trung tâm GDNN-GDTX. Sự phát triển hợp lí về mạng lưới trường lớp đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động học sinh đến trường. Huyện Đakrông được công nhận đạt chuẩn Phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, Phổ cập GD tiểu học, Phổ cập GD THCS, Phổ cập XMC, có 1/13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc Trung học. Kết quả những năm học vừa qua khẳng định chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ, khoảng cách giữa giáo dục vùng khó và vùng thuận lợi ngày càng thu hẹp dần; có học sinh đạt giải trong Kỳ thi HSG văn hóa cấp tỉnh, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Công tác thu hút và ổn định đội ngũ có nhiều chuyển biến. Toàn ngành có 1.094 biên chế thuộc huyện, trong đó giáo viên người dân tộc thiểu số là 267 chiếm 24,4%. Trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn 99,76%. Cơ sở vật của các trường học đã có những thay đổi căn bản, các trường học trung tâm được cao tầng hóa; một số trường đã có khu hiệu bộ, phòng học bộ môn, thư viện tiên tiến, khuôn viên xanh- sạch- đẹp. Trong nhiệm kỳ, giáo dục huyện đã duy trì và xây dựng 13 trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, trong năm 2019 thực hiện Đề án sáp nhập nên giảm 01 đơn vị. Hiện tại, có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 06 trường mầm non đạt tỷ lệ 40%, 03 trường tiểu học đạt tỷ lệ 37,5% và 03 trường THCS đạt tỷ lệ 23,08%. Hoàn thành chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đề ra.

Lãnh đạo huyện Đakrông thăm trường mầm non Hoa Lan

Xuất phát từ đặc thù của giáo dục vùng khó, ngành giáo dục huyện Đakrông luôn xác định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong công tác giáo dục và đào tạo, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Nếu nâng cao chất lượng dạy học là trọng tâm thì xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng, đáp ứng với yêu cầu đổi mới ngành giáo dục – đào tạo huyện Đakrông xác định nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng về chủ trương phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; về vai trò, ý nghĩa của giáo dục, từ đó, làm cho mọi người tích cực chăm lo tốt hơn đến việc học tập của con em; tự giác tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện.

2. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 51-KH/HU ngày 28/6/2018 của Ban Thường vụ Huyện uỷ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện Kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2020-2025; hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường lớp với quy mô, cơ cấu hợp lý giữa các cấp học, hướng đến việc đảm bảo công bằng trong giáo dục, tất cả học sinh được học anh văn, tin học; thuận lợi trong việc huy động tối đa số lượng học sinh đến trường, thực hiện bán trú và dạy học 2 buổi/ngày.

3. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với vị trí việc làm của từng đơn vị. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo đúng quy định. Có chính sách tuyển dụng phù hợp đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hơn nữa tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, bổ sung giáo viên Tiếng Anh cho các cấp học để thực hiện hiệu quả Đề án dạy- học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

4. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể trong công tác giáo dục, nhất là công tác vận động, duy trì số lượng học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tranh thủ các nguồn lực từ mọi tổ chức, từ phụ huynh học sinh, để hỗ trợ các công trình phụ trợ như: sân chơi, bãi tập, tạo khuôn viên các nhà trường xanh - sạch - đẹp. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, cộng đồng và xã hội nâng cao hơn nữa tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học, học lực khá- giỏi, hạnh kiểm khá, tốt hàng năm. Đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn trong công tác giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong xã hội về các kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục của huyện.

5. Quan tâm quy hoạch quỹ đất, đầu tư xây dựng một cách có trọng tâm, trọng điểm gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư xây dựng các khu hiệu bộ, các phòng học bộ môn, nhà đa năng, thư viên; bổ sung thiết bị dạy học và các công trình phụ trợ khác cho các nhà trường nhằm đạt chuẩn theo Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 25/6/2020 của Bộ GD&ĐT; tạo cơ hội cho học sinh được hưởng thụ môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện, đồng thời, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên gắn bó và trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội”, hi vọng trong thời gian tới, ngành GD-ĐT huyện Đakrông sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đưa sự nghiệp giáo dục huyện Đakrông phát triển vững chắc, hoà mình vào công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Nguyễn Thị Hảo

4831 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 898
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 898
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77397145