Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Minh Khuê
Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Trần Bích Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017, đồng chí Trần Bích Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho biết: Năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung đánh giá kết quả thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII), đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn.
Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chế độ công vụ, công chức; tiến tới hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài...
Cụ thể, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 415 nghìn lượt công dân với 310 nghìn vụ việc; xử lý 178 nghìn đơn đủ điều kiện trong tổng số 306 nghìn đơn thư đã tiếp nhận. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.437 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người.
Đáng chú ý, trong năm 2017 việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các địa phương triển khai hiệu quả. Trong đó, việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, góp phần đưa 1.853 xã (chiếm 31%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 295 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, từ việc triển khai đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Tổ tự quản, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; Nhân dân đóng góp quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó việc niêm yết, công khai các nội dung để dân biết theo Pháp lệnh Quốc hội về "Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn" có lúc, có nơi niêm yết còn chung chung, chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu cụ thể.
Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành quy chế, quy định tại các cơ quan, đơn vị đạt số lượng khá nhưng chất lượng thực hiện quy chế, quy định chưa cao, có nơi chưa nghiêm túc. Thái độ phục vụ nhân dân và thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động còn chưa tốt, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng nợ đọng lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và dẫn đến hiện tượng ngừng việc tập thể, đình công 233 cuộc trong 11 tháng năm 2017.
Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
họp triển khai nhiệm vụ năm 2018 - Ảnh: Minh Khuê
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân ở cơ sở xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là: Tăng cường hoạt động tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân theo quy định; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đẩy mạnh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình, bảo đảm thực chất, hiệu quả…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu kiện kéo dài cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân; tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần thông tin tuyên truyền trực tiếp để giải đáp vướng mắc cho người dân. Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể. Trong đó, cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu, bởi thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…/.
Minh Khuê