Thực hiện Nghị quyết 19: Hay, dở do người đứng đầu 

(Chinhphu.vn) - Những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19 năm 2018 là không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực, quan trọng là người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.
Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Đó là quan điểm của các chuyên gia tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM đánh giá, trong 4 năm qua, nhờ có Nghị quyết 19 cùng sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế).

 

Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện. Môi trường kinh doanh (MTKD) đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì MTKD của nước ta tăng 23 bậc. Bộ chỉ số thứ ba là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.

 

Theo đại diện CIEM, mặc dù đã đạt được những kết quả cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19 nhưng mức độ cải thiện chưa đều và mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên các chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn còn là thách thức.

 

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa.

 

Trong khi đó, nhìn ra bên ngoài, các nước trong khu vực ASEAN đang tập trung cải cách mạnh mẽ hơn Việt Nam cả về số lượng và mức độ. Năm 2017, môi trường kinh doanh của Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực.

 

Theo thống kê từ CIEM, số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10% so với mục tiêu ít nhất 20% đã đề ra; số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

 

“Kết quả đạt được là không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ ngành và địa phương. Có nơi phải mất tới 6-7 tháng vẫn không xin được giấy phép kinh doanh, nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa tạo thuận lợi cho DN, vài hôm lại gọi lên sửa giấy phép, có hôm chỉ sửa vài từ, dấu chấm, phảy nhưng vẫn bị gọi lên, gây ức chế cho DN. Có cơ quan không những không cắt giảm mà còn 'đẻ' thêm thủ tục. Nguyên nhân là do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết 19”, đại diện CIEM cho biết.

 

Ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ, kinh nghiệm ở những lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thực sự vào cuộc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét. Những đơn vị thực hiện tương đối tốt là: Bộ Tài chính cải thiện chỉ số nộp thuế, cải cách thủ tục hải quan; Tập đoàn điện lực (EVN) là chỉ số tiếp cận điện năng…Còn tại các địa phương như Quảng Ninh, Đồng Tháp các sở, ngành, quận huyện đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi tốt nhất cho DN.

 

Dưới góc độ cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế việc triển khai Nghị quyết 19 vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm triệt để, tạo nên phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.

 

“Vẫn còn có những doanh nghiệp vất vả lo các thủ tục giấy tờ liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa. Một số bộ phận hành chính, thủ tục còn khá rườm rà gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

 

“Thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 theo tinh thần của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa, cắt giảm những điều kiện gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

* Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP trong đó yêu cầu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của WB. Đặc biệt, đến năm 2020 chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.
 

Nghị quyết 19/2018 cũng yêu cầu bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn 10%, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Quan trọng hơn, Nghị quyết 19-2018 lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch để tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

 

Anh Minh

390 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 801
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 801
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76856321