Thực hiện lời chỉ dẫn của Bác về “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”- Giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng hiện nay 

Cách đây 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Với gần 700 từ, đây là tác phẩm có giá trị to lớn trong giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Năm 1969, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, diện mạo của chủ nghĩa cá nhân được Bác chỉ ra tương đối toàn diện và cụ thể. Mở đầu tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là những dòng tổng kết ngắn gọn về truyền thống yêu nước của Nhân dân Việt Nam, mà tiêu biểu là của cán bộ, đảng viên do Đảng lãnh đạo. Người đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, trở thành nguy cơ lớn của đảng cầm quyền. Chủ nghĩa cá nhân luôn hướng theo chủ nghĩa vị kỷ, tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta”, lấy mục tiêu “mọi người vì mình” làm mục đích sống, làm phương châm đối nhân xử thế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc mà nếu không được ngăn chặn kịp thời, nó còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một kẻ thù nguy hiểm ngăn cản chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán nghiêm khắc và chỉ ra  những hậu quả của chủ nghĩa cá nhân. Người viết: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”“Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân”. Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các biểu hiện trên được Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, từ đó nãy sinh ra các căn bệnh như: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”…

Chủ nghĩa cá nhân không ở đâu xa lạ mà nó vốn có trong mỗi con người, chỉ có điều phải cảnh giác, phải luôn tỉnh táo để đề phòng và phải chiến thắng nó. Chính lúc cách mạng thành công, Đảng giành được chính quyền, các đảng viên giữ những chức vụ khác nhau trong bộ máy nhà nước, trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân cũng là lúc chủ nghĩa cá nhân có điều kiện bộc lộ và nảy nở. Vì thế, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể kéo dài bởi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu chống mà còn phải trừ bỏ, quét sạch, tiêu diệt nó. Người khẳng định “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay bên cạnh những tích cực thì nó cũng dễ nảy sinh ra các hiện tượng tiêu cực tác động  mạnh vào tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Dưới tác động của kinh tế thị trường dễ gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội; dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm, kích thích lối sống thực dụng. Bên cạnh đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, chạy theo danh lợi, tiền tài. Sự phân hóa này nếu không được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sẽ đưa đến những hệ lụy xấu, tạo kẻ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phân hóa chính trị, tư tưởng. Một số cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền tham ô, lãng phí, gây thất thoát lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân. Tất cả những biểu hiện này lần đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra một cách cụ thể, có hệ thống trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với 27 biểu hiện. Có thể nói 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Hội nghị nêu ra chính là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đã được Hồ Chí Minh phê phán trong hàng loạt các bài báo, bài nói chuyện, trong các tác phẩm lý luận và đặc biệt là trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên,  cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Nhận rõ tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”. Trước tình hình ấy, việc quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để tự giáo dục, rèn luyện đảng viên để Đảng xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ” thật trung thành của Nhân dân.

Để thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Người, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau: 

 Thứ nhất, mỗi đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và thực hành đạo đức cách mạng, bởi như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên bằng hành động của mình, trên mỗi vị trí, việc làm, cần nêu gương về đạo đức, nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Đảng, kiên quyết chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nâng cao ý thức giữ gìn đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong sinh hoạt Đảng cần thực hiện nghiêm túc, duy trì có nền nếp nguyên tắc tự phê bình và phê bình như  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục kiện toàn, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, giúp việc các cấp uỷ từ Trung ương đến cơ sở. Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là những "thanh bảo kiếm" sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Tổ chức đảng thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, cung cấp thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để dân được biết, bàn bạc; tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm việc tiếp dân định kỳ hay đột xuất.

Thứ ba,  thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động: Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn … Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên nhằm đấu tranh phòng, chống những biểu hiện của sự suy thoái, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những trường hợp đảng viên vi phạm. Phạm Xuân Ngọc – Trường Chính trị Lê Duẩn

1489 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 918
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 918
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76702375