Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” 

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, thực hiện tốt công tác dân vận là góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Trong Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ của công tác dân vận là: “… vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Để vận động Nhân dân, theo Người, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng; muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Người còn căn dặn: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Về lực lượng phụ trách công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”. Người đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ làm công tác dân vận, đội ngũ này phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH TƯ Đảng, khóa XI; triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU của BTV Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016- 2020.  Trong những năm qua, mô hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Trong sản xuất, kinh doanh nổi bật các mô hình ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Các mô hình này thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, qua đó cùng giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cũng phát triển mạnh mẽ, điển hình như các phong trào “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”, “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”, “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu Chiến binh có các mô hình: tổ hợp tác, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xóa nghèo cho hội viên”; mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mô hình xây dựng “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 3.569 mô hình “Dân vận khéo” thuộc các lĩnh vực. Đến nay có 1.750 mô hình đạt điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp, trong đó 24 tập thể và 21 cá nhân điển hình có sức lan tỏa sâu rộng. Ngoài ra còn có nhiều mô hình tiêu biểu khác như: “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an ninh nhân dân”, Đội dân phòng, “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng các mô hình “Dân vận khéo” hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi trong thực hiện công tác dân vận có lúc còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít; ở nhiều nơi việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ở một số đơn vị chưa thường xuyên.

Trong những năm tới, để mô hình “Dân vận khéo”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể  trong toàn tỉnh được tiếp tục đẩy mạnh, mang lại hiệu quả, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền với nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể cần nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, chủ động ứng phó, hóa giải kịp thời với những vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định xã hội.

Hai là, chú trọng nhân rộng, phát triển các mô hình, điển hình “Dân vận khéo ở vùng sâu vùng xa, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần chú trọng định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” có hiệu quả.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với nhân dân, luôn  lắng nghe và kịp thời giải quyết  những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các địa phương, cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân ở những địa bàn dễ nảy sinh phức tạp.

                                                                   Xuân Minh

4883 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88608425