Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia, dân tộc đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và cách thức ứng xử trong chính sách đối ngoại của mình. Nước ta cũng không phải ngoại lệ. Điều quan trọng và cũng là điều khác biệt về chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới khi tham gia giải quyết các vấn đề có tính quốc tế đòi hỏi mỗi quốc gia phải thể hiện thái độ, lập trường của mình; có nước thể hiện quan điểm trung lập, có nước phải “chọn bên”, có nước vì lẽ phải, công lý… Sở dĩ có thực trạng này là vì quan hệ giữa các nước lớn, nói rộng ra là chính sách đối ngoại của các cường quốc tác động (trực tiếp và gián tiếp) đến chính sách (đối nội, đối ngoại) của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường và định hướng phát triển; tác động đến xu thế hội nhập, bảo vệ độc lập, chủ quyền trên con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Chúng ta đều biết, sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đơn xin gia nhập Liên hợp quốc và các Ủy ban đặc biệt của tổ chức này. Trãi qua quá trình đầy gian nan, thử thách trong thời gian 31 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc và trở thành quốc gia thành viên thứ 149 của một tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Đây là mốc son lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, đồng thời đánh dấu một thời kỳ mới trong quá trình quan hệ hợp tác phát triển của đất nước.
Từ thực tiễn trở thành thành viên của Liên hợp quốc và trong suốt chiều dài quan hệ quốc tế, Đảng và Nhà nước ta nhận thức sâu sắc và vận dụng đúng đắn quy luật quan hệ các nước trên trường quốc tế là quan hệ lợi ích. Theo thống kê của một nhà khoa học người Thụy Sỹ, từ khi loài người xuất hiện trên trái đất cho đến nay, có hơn 5 nghìn cuộc chiến tranh xảy ra, làm chết hơn 5 tỷ người. Nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, xung đột này phần lớn đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì một thế giới hòa bình, dân chủ, tiến bộ, bình đẳng và thịnh vượng. Là một quốc gia thành viên, Việt Nam không những có nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc Hiến chương của Liên hợp quốc và hệ thống luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, tham gia giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình mà còn nỗ lực khẳng định vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế.
Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước ta bị bao vây cấm vận và gặp rất nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình hợp tác phát triển. Đảng và Nhà nước ta, một mặt chủ trương và chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quan điểm, lập trường, chính sách đối ngoại của Việt Nam, mặt khác, chủ động, tích cực triển khai chính sách đối ngoại với các nước trên thế giới, xác lập quan hệ song phương, đa phương, trở thành đối tác tin cậy trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư..., đồng thời, từng bước tiến hành ngoại giao bình thường hóa quan hệ với các nước đang thực thi cấm vận với nước ta, chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, nước ta đã phá thế bao vây, cấm vận. Đây là tiền đề rất quan trọng để thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và hội nhập quốc tế và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử.
Quan hệ quốc tế của nước ta ngày càng mở rộng. Hiện nay nước ta có quan hệ 189 nước trong 200 nước trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam với 80 quốc gia thuộc cả 05 châu lục, đặc biệt nước ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 05 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ). Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn nhất quán và kiên trì thực hiện những quan điểm về đường lối đối ngoại của mình, bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc vừa khéo léo, linh hoạt, đảm bảo lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc. Nhờ đó, đã góp phần khẳng định vị thế và vai trò của nước ta trên trường quốc tế.
Sự thay đổi nhanh, phức tạp, khó dự báo của thế giới đương đại chủ yếu do cạnh tranh chiến lược và chính sách khu vực của các nước lớn, trong đó nổi lên tư tưởng chính trị cường quyền chi phối trật tự thế giới, muốn xác lập trật tự thế giới đơn cực, dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn để bài trừ xu hướng đa cực. Vì thế, xu hướng hòa bình, hợp tác phát triển đang bị thách thức. Sở dĩ có thực trạng này là bởi đằng sau xác lập thế giới đơn cực hiện hữu lợi ích to lớn đối với các cường quốc và cũng chính từ đó nãy sinh nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột bạo lực khi các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao không đạt được mục đích. Thực tế đó đặt ra trong quá trình bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước đang phát triển là phải linh hoạt thích ứng điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình và xích lại gần nhau hơn. Trên thực tế không ít quốc gia vừa và nhỏ thực hiện chính sách đan xen lợi ích thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, song phương, ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư…, cân nhắc tham gia các diễn đàn chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của khu vực, quốc tế nhằm bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, ngăn ngừa các cuộc xung đột bạo lực, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đối với nước ta, lập trường đối ngoại là nhất quán, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một thế giới hòa bình, dân chủ, bình đẳng và hợp tác, phát triển. Điều này thể hiện rõ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề có tính quốc tế.
Như chúng ta biết, Ngày 31/12/2021, Lễ hạ quốc kỳ kết thúc nhiệm kỳ của 5 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) giai đoạn 2020 - 2021 đã diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam chính thức hoàn thành cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức chưa từng có tiền lệ, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Đông Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh; hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống..., Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra.
Trong hai năm đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham dự 840 cuộc họp ở cấp Đại sứ trở lên, tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện, riêng trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA 26 văn kiện được thông qua, đề xuất và được HĐBA thông qua 2 nghị quyết và 3 tuyên bố Chủ tịch HĐBA (lần đầu HĐBA có Tuyên bố Chủ tịch). Bên cạnh đó, các sự kiện và văn kiện do Việt Nam chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước[1].
Trên cương vị Ủy viên không thường trực, Việt Nam luôn đề cao thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương trong mọi hoạt động tại HĐBA; nỗ lực thúc đẩy cách tiếp cận đặt con người là trung tâm trong tìm kiếm các giải pháp bền vững và thỏa đáng nhằm giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các mối quan tâm toàn cầu, cũng như thúc đẩy chính sách nhân đạo đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam đã thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, nhất là các nước lớn, các nước đối tác quan trọng. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao tới các nước Ủy viên thường trực HĐBA (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc) đều đạt được những thành công tốt đẹp, củng cố và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Thông qua việc tiếp xúc, trao đổi, điện đàm ở các cấp về các vấn đề quan tâm chung, Việt Nam đã thể hiện được lập trường nguyên tắc độc lập, ứng xử có trách nhiệm. Dư luận quốc tế và trong nước đánh giá cao cách tiếp cận toàn diện, nhân văn về con người, khẳng định tôn trọng lập trường của Việt Nam trong mọi vấn đề.
Quá trình đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa đạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Gần đây, xung đột bạo lực ở Myanmar, Việt Nam đã thể hiện quan điểm, lập trường đối ngoại nhất quán của mình. Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu cần chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, bảo đảm an toàn cho dân thường tại Mi-an-ma; kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Mi-an-ma và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ; thông báo các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này và sẵn sàng giúp đỡ Mi-an-ma một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
Đặc biệt, kể từ khi xung đột giữa Nga và U-crai-na xảy ra (24/02/2022), Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình, kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phương châm ứng xử của Đảng ta là thể hiện lập trường, quan điểm độc lập, tự chủ, trách nhiệm, khách quan, cân bằng và xây dựng trên cơ sở kiên định, kiên trì ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, có tính đến quan tâm, lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Đây chính là hệ thống chuẩn mực ứng xử quốc tế đương đại, góp phần đặc biệt quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Có nghĩa là, các nước đang phát triển tiếp tục coi Liên hợp quốc là tổ chức trung tâm toàn cầu, trực tiếp giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ngăn ngừa tư tưởng bá quyền chi phối trật tự thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình quan hệ quốc tế của các quốc gia, dân tộc hiện giờ và sau này./. Phan Văn Lãn
[1] Trong đó, nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ. Tuyên bố Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ. Ngoài ra, Việt Nam khởi xướng, chủ trì thành lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, tạo thêm kênh đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.