Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới 

(Chinhphu.vn) – Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

 

Ông Nguyễn Doãn Tú,, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Nội dung trọng tâm của ngành dân số trong tình hình mới là phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Thưa ông, phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Phương hướng này được hiểu cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Thành công của chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã hạn chế được bùng nổ dân số; hình thành cơ cấu dân số “vàng”; chất lượng dân số được nâng lên… và qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường của nước ta. Tuy nhiên, thành tựu lớn cũng sinh ra những thách thức mới, đó là mức sinh rất khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính ở trẻ em đã ở mức nghiêm trọng; di dân diễn ra mạnh mẽ và Việt Namđã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Việc đạt được mục tiêu “bình quân trong toàn xã hội, mỗi cặp vợ chồng có 2 con”, đã xuất hiện những xu hướng dân số mới như trên, đặt ra câu hỏi: Chính sách Dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt KHHGĐ là trọng tâm, liệu có còn thích hợp? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào? Giải đáp những câu hỏi này, trên cơ sở nhận thức đầy đủ và sâu sắc những xu hướng mới của dân số cũng như tác động to lớn của những xu hướng này đến sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay, đặc biệt là chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Nghị quyết đã cụ thể hóa việc chuyển “trọng tâm” này thông qua việc đề ra 6 nhóm mục tiêu, bao gồm 23 chỉ tiêu nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức do tình hình dân số mang lại. Đây là chủ trương lớn của Đảng đối với công tác dân số của nước nhà.

Xin ông cho biết những cơ hội và thách thức của ngành Dân số trong việc thực hiện 6 nhóm mục tiêu do Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Có thể thấy rằng hệ thống mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW rất rộng và rất cao. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), khi đề cập công tác dân số, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó”.

Thứ nhất, duy trì mức sinh thay thế, thành tựu đạt được và duy trì mức sinh thay thế tính trên phạm vi cả nước trong nhiều năm nay là rất to lớn. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn. Trong khi mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức “2 con” thì mức sinh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi và trung du phía bắc, Bắc Trung bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, có tỉnh bình quân mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh trên 3 con. Vì vậy, Đảng ta chủ trương vận động “Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. 

Việc xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước vừa là yêu cầu, vừa là thách thức lớn của công tác dân số hiện nay.

Thứ hai, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận vào năm 2006. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ, dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng, nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ  2,3-4,3 triệu người. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ tập trung ở một số khu vực mà điển hình là vùng đồng bằng sông Hồng.

Xóa bỏ tâm lý, tập quán “thâm căn cố đế” – ưa thích con trai, kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi là rất khó khăn, chắc chắn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt và lâu dài; sự nỗ lực kiên trì, liên tục và mạnh mẽ của toàn xã hội.

Thứ ba, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng”. Dư lợi rất lớn của cơ cấu dân số “vàng” đó là số lượng lao động dồi dào, mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu dân số “vàng” mới chỉ là tỷ lệ và số lượng “dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn, mới mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã trực tiếp có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số “vàng” còn phải đảm bảo: Thứ nhất, là những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc; Thứ hai, những người “có khả năng làm việc” phải có việc làm; Thứ ba, “những người có việc làm” phải làm việc với năng suất, thu nhập cao.

Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ tư, thích ứng với già hóa dân số. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có “dân số già” vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế, xã hội kết quả là tăng nhanh tuổi thọ bình quân và thành tựu giảm sinh - hiệu quả của chương trình kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề như: an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, việc làm cho người cao tuổi,…Vì vậy, “thích ứng với già hóa dân số” là một thách thức lớn hiện nay, nhất là trong điều kiện Việt Nam già hóa nhanh.

Thứ năm, phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động – yêu cầu cao nhất của Việt Nam trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, di dân cũng đẩy nhanh quá trình tập trung dân số với mật độ rất cao. Điều này dẫn tới ách tắc giao thông, quá tải trường học, bệnh viện,ô nhiễm môi trường…Ngược lại, những địa phương xuất cư mạnh cũng có những thách thức về chăm sóc người già, trẻ em và cả những thách thức về sử dụng không hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, xã hội đã có.

Thứ 6, nâng cao chất lượng dân số.Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số.

Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số ngay trong giai đoạn đầu đời, như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đã thu được những kết quả tốt nhưng vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.

Trước mắt, để thực hiện những nhiệm vụ trên, ngành dân số sẽ có những giải pháp gì, thưa ông ?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, để đạt được những mục tiêu đề ra, trước mắt ngành Dân số phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Quán triệt sâu sắc hơn nữa những nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW. Theo đó, cần nhận thức rõ “tình hình mới” của công tác dân số không chỉ ở Trung ương mà còn ở từng địa phương; không chỉ là những xu hướng mới của dân số mà còn là điều kiện mới về kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật,... Đặc biệt, cần nắm chắc hệ thống 6 mục tiêu tổng quát và 23 chỉ tiêu cụ thể của chính sách dân số mới; khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật và chính sách dân số cho giai đoạn mới; tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số và củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành.

Xin cảm ơn ông!

Hiền Minh (thực hiện)

347 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 721
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 721
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77168238