|
Ảnh minh họa |
Đồng thời, trong giai đoạn đến 2020, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 25-30%, thu hẹp khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN-4.
Theo Kế hoạch, giai đoạn đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%, năng suất trong ngành công nghiệp tăng bình quân từ 6-7%, một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Nhằm hoàn thành kế hoạch đặt ra, Bộ Công Thương cũng xác định rõ nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể, thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong cách ngành công nghiệp: Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực nghiên cứu, tự thiết kế mẫu và sản phẩm mới trong lĩnh vực dệt may và da giày, phát triển và liên kết ngành công nghiệp thời trang với dệt may và da giày, phát triển ngành thép nội địa, ưu tiên đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được có công nghệ thân thiện môi trường như thép tấm cán nóng và các loại thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo.
Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho ngành công nghiệp: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, tăng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm vào các ngành công nghiệp Việt Nam có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày…
KL