Thực hiện các giải pháp mạnh để bảo đảm tăng trưởng đạt kết quả cao nhất 

(Chinhphu.vn) - Để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước, quốc tế, khu vực và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, diễn biến kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối diện với những rủi ro do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Các số liệu thống kê được công bố chính thức ở nhiều nền kinh tế cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch. Không ít nền kinh tế trên thế giới đối mặt với làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch. Dù vậy, các nền kinh tế vẫn cân nhắc, tiến hành mở cửa trở lại, song thận trọng hơn và lưu tâm đến các kịch bản để chuyển đổi trạng thái giữa giãn cách và khôi phục hoạt động kinh tế.

Căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, tình hình thiên tai… cũng đặt ra thêm thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế thế giới tháng 8/2020 tiếp tục phục hồi so với tháng trước.

Kinh tế trong nước tiếp tục chứng kiến những diễn biến khó kiểm soát của dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại và những tác động nặng nề ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội ngày càng rõ nét hơn.

Tuy vậy, Chính phủ vẫn kiên định với “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đang làm suy giảm đáng kể những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ngành du lịch và nhiều ngành xuất khẩu đang bị mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, để vượt qua “bẫy kinh tế COVID-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế, trong đó bao gồm: Chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới. Giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước với gần 100 triệu dân và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự báo trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó bao gồm: Sự suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát lần 2 gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu; các nhóm ngành sản xuất và đầu tư cũng chịu tác động gián tiếp. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn. Tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô tiêu dùng. Rủi ro từ suy giảm thương mại toàn cầu và thiệt hại kinh tế đáng kể do dịch COVID-19 ở các đối tác thương mại chủ chốt, khả năng thâm hụt tài khóa cao hơn dẫn tới gia tăng nợ công và rủi ro từ hệ thống ngân hàng.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 ở Việt Nam gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động cộng hưởng của 2 lần dịch bùng phát, chưa có thời gian để hồi phục.

Trong bối cảnh đó, để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Về phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, đến thời điểm hiện tại, đợt bùng phát dịch lần 2 cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm ghi nhận đã giảm so với thời gian đầu bùng phát. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số trường hợp tử vong, một số trường hợp vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu. Nghiêm trọng hơn, ngành y tế vẫn nhận định mầm bệnh vẫn đang ở trong cộng đồng, đồng thời trong thời gian tới thời tiết ẩm có thể khiến cho việc khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan, cần quyết liệt đẩy mạnh việc phòng chống, ngăn ngừa, dập dịch đi kèm với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân kết hợp với rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xử lý nghiêm các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy quyết liệt hơn nữa việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Tập trung đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp.

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc duy trì, phấn đấu tăng trưởng dương năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ khắc phục các khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

Nguyễn Hoàng

270 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1475
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1475
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88991341