Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn thuộc địa bàn 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các huyện có xã miền núi Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Trong đó, có 38 xã có đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản. Dân số đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 20.476 hộ, 87.218 khẩu (chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh), trong đó nữ dân tộc thiểu số có khoảng trên 43.000 người.
Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh còn quan tâm thúc đẩy công tác bình đẳng giới, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần xoá bỏ định kiến giới trong cộng đồng dân cư và thu hẹp dần khoảng cách về giới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bằng các hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Tuyên truyền, giáo dục vận động xây dựng đời sống văn hóa, gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc; phòng chống bạo lực gia đình gắn với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Các hoạt động triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là tại các địa bàn triển khai trực tiếp của Chương trình 135. Hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới được thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai thực hiện các đề án, dự án như: Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2021”, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và Tiểu dự án “Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn trong Dự án 135” , Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027", Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 –2020” . Các mô hình điểm như “Địa chỉ tin cậy - Nhà cộng đồng tạm lánh”, các quy ước, hương ước được đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả cao trong giáo dục, tuyên truyền vận động về Bình đẳng giới. Chính vì thế, các vấn đề giới nổi cộm như bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực trên cơ sở giới tại trường học, cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị trong các năm từ 2018 đến 2021 không có xảy ra. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm rất nhiều so với thời gian trước. Năm 2020, giảm khoảng 32% so với năm 2019.
Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai, vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào các trường lớp bán trú, dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các Hội thi tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 19 trường Trung học cơ sở và dân tộc nội trú xã, cụm xã vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Chỉ đạo xây dựng phóng sự và clip tuyên truyền về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng 02 ngôn ngữ nói (tiếng phổ thông, tiếng Vân Kiều) phát trên sóng truyền hình tỉnh, đồng thời thu nội dung vào 136 thiết bị USB cung cấp đến toàn bộ các xã, 45 trường học, 09 Đồn Biên phòng tuyến biên giới vùng dân tộc thiểu số để làm phương tiện tuyên truyền. Lắp đặt 15 bảng Panô truyền thông, chữ song ngữ Việt - Vân Kiều tại 15 điểm trường Trung học cơ sở và dân tộc nội trú vùng dân tộc thiểu số. Kết quả có 100% các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền về kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn/450 học viên cho cán bộ Đoàn/Hội Liên hiệp Thanh niên cấp xã, thôn bản vùng dân tộc thiểu số, cộng tác viên thôn bản (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín) với nội dung: Kỹ năng tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giới thiệu và phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Bình đẳng giới, Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); ngày 8/3, 20/10; Tháng hành động quốc gia Phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Kết quả có 100% cán bộ công chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện; 80% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.
Để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, phổ biến nguyên tắc thực hiện, tỷ lệ nữ tham dự lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, họp thôn bản; hỗ trợ giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số đổi mới tư duy về làm ăn phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn; huy động nguồn vốn chính sách xã hội tín chấp cho phụ nữ vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi; huy động các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các mô hình sinh kế. Tại các địa bàn triển khai thực hiện Chương trình 135, phụ nữ người dân tộc thiểu số được tiếp cận phương pháp giảm nghèo hiệu quả và được nâng cao năng lực, tham gia trong các hợp phần của Chương trình theo quy định, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình.
Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh, công tác bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số Quảng Trị còn có sự hỗ trợ của tổ chức Plan vùng Quảng Trị. Trong giai đoạn từ 2018-2021, tổ chức Plan đã thành lập 58 câu lạc bộ bạn gái (có 1.130 nữ), 30 câu lạc bộ cha mẹ với khoảng 600 thành viên, 18 Ban bảo vệ trẻ em, có 200 hộ gia đình, trẻ em có nguy cơ bỏ học, kết hôn sớm được hỗ trợ, 4.400 trẻ em, thanh niên được truyền thông về bình đẳng giới, 270 trẻ nòng nốt được tập huấn về quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản vị thành niên, pháp luậtt, 10 sáng kiến của thanh niên, trẻ em được thực hiện (thi vẽ tranh, mô hình khởi nghiệp, sinh kế), 224 giáo viên, 100 cộng tác viên, y tế thôn bản được tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Xây dựng 4 góc truyền thông thân thiện tư vấn dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên với khoảng 350 thanh niên được tiếp cận dịch vụ; 08 hội thảo giới thiệu tư vấn việc làm cho thanh niên thu hút hơn 250 thanh niên tham gia, trong đó có 15 trường hợp nhận được việc làm, được đi xuất khẩu lao động; 5 diễn đàn trẻ em được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp huyện với khoảng 480 trẻ em được tham gia, các em đã đưa ra các thông điệp liên quan đến các vấn đề bảo vệ trẻ em, bạo lực, kết hôn sớm, tai nạn thương tích đến các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, huyện và các phương tiện truyền thông.
Không chỉ quan tâm hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng giới trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị cũng được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên ngày càng có nhiều nữ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu công việc; tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp ngày càng tăng. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 51 đồng chí, trong đó, cán bộ nữ: 07 đồng chí; cán bộ nữ dân tộc thiểu số 01 đồng chí. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII có 15 đồng chí, trong đó, cán bộ nữ có 03 đồng chí, cán bộ nữ dân tộc thiểu số có 01 đồng chí. Tại đại hội cấp huyện, cấp ủy được bầu là 424 đồng chí, trong đó, nữ 68 đồng chí, cấp ủy là người dân tộc thiểu số là 24 đồng chí. Tổng số ủy viên ban thường vụ được bầu là 121 đồng chí, trong đó nữ 15 đồng chí, người dân tộc thiểu số là 09 đồng chí. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Quảng Trị bầu được 06 đại biểu, trong đó, Nữ dân tộc thiểu số 01 đại biểu.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và sự tham gia của toàn dân; trong đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm ưu tiên cho sự phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số; cần thay đổi cách tiếp cận, coi phụ nữ dân tộc thiểu số là đối tượng để phát huy nguồn lực, góp phần vào sự phát triển chung của vùng. Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế của mình. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số. Tăng cường mở các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, dân số và kế hoạch hoá gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Xây dựng và duy trì thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ phát triển kỹ
năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội có tác dụng thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất. Đưa nhiệm vụ thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình vùng dân tộc thiểu số vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm của các Sở, ban ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cấp huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú, người có uy tín ở địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống. Tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ, có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Thủy Phương