Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 4/7, trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang) về công tác phòng, chống dịch.

Cùng dự họp với Thủ tướng tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự họp tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh; tại đầu cầu 8 tỉnh, thành phố phía Nam có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tham dự.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 19 nghìn ca mắc COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 có hơn 16 nghìn ca mắc. Tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi liên tục ghi nhận số ca mắc mới. Một số nơi, người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các cuộc họp, kết luận, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, những ngày qua, diễn biến dịch chưa có nhiều chuyển biến tích cực, thậm chí có chiều hướng phức tạp. Do đó, Chính phủ tổ chức cuộc họp này để rà soát tình hình; bàn bạc, đánh giá lại các giải pháp đã thực hiện; những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ... để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Thủ tướng yêu cầu đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, bàn bạc trên tinh thần “5 thật”, nhất là đề xuất về cơ chế, phương pháp, nhân lực, vật lực... để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch bệnh dây dưa, vì sức khỏe, sự bình an của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đánh giá cao các giải pháp, phương pháp, hướng dẫn mà Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo, triển khai trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, nhất là việc linh hoạt các thứ tự ưu tiên trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện “3 tại chỗ” trong các doanh nghiệp, tại các khu công nghiệp (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ).

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của địa phương như còn lúng túng khi dịch bùng phát mạnh; có nơi các lực lượng phòng, chống dịch phối hợp chưa tốt; năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu; một số người dân còn chưa thực hiện nghiêm phòng, chống dịch... Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường năng lực máy xét nghiệm, test nhanh cho các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp; có hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục trong mua sắm thiết bị, vật phẩm, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch; tăng phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho các điểm dịch; chỉ đạo phối hợp khoanh vùng, rà soát, quản lý dân cư, lao động và giao lưu, di chuyển giữa các địa phương trong vùng dịch...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã phát biểu, giải đáp những đề xuất của các địa phương, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 như áp dụng linh hoạt các quy định, phương pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình; đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine; việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề đảm bảo sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa; triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn để chủ động phòng, chống dịch ở mức cao hơn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các địa phương, các ngành đã nỗ lực, phối hợp, quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có giải pháp và sự nỗ lực lớn hơn rất dễ mất kiểm soát, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Do đó, tình hình dịch bệnh tại Thành phố có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, đồng thời việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đã và đang bổ sung lực lượng cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, đồng thời yêu cầu các ngành Y tế, Quân đội, Công an, các tỉnh, thành phố không có dịch và dịch đã được kiểm soát tốt tiếp tục chi viện cho những địa phương nếu cần thiết.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép, song nghiên cứu, áp dụng linh hoạt theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình, có thể ưu tiên phòng, chống dịch hay phát triển kinh tế-xã hội, hoặc tập trung thực hiện đồng thời. Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, có điều chỉnh phù hợp, theo thẩm quyền của tỉnh, thành phố. Với phương châm là phải hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại; giữa phân tán và tập trung để kết hợp được sức mạnh tổng lực giữa các phương pháp, nguồn lực và giữa các tỉnh, thành phố, bộ ngành với nhau.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những phương châm, phương pháp, cách làm trong phòng, chống dịch như đang thực hiện là đúng hướng, không có vướng mắc, song dịch vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi mọi việc cần được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành, từng người trong phòng, chống dịch; thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn để chủ động phòng, chống dịch ở mức cao hơn.

Về những giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh, tổ chức phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thần tốc xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, dập dịch. Các địa phương phải lấy hệ thống chính trị ở cơ sở làm nền tảng, các lực lượng tại cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Với tinh thần cấp xã chủ động lo cho cấp xã, cấp huyện chủ động lo cho cấp huyện, cấp tỉnh chủ động lo cho cấp tỉnh. Cùng với chỉ đạo, điều phối từ cấp trên, cấp dưới chủ động, sáng tạo, phối hợp triển khai. Các lực lượng trên cùng một địa bàn thì giao cho một lực lượng chủ trì, để làm đầu mối phối hợp hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện nguyên tắc “5K+vaccine và công nghệ” trong phòng, chống dịch. Thực hiện thí điểm tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà, song phải đảm bản an toàn, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân cùng vào cuộc, tích cực phòng, chống dịch. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền tạo hành lang pháp lý để phòng, chống dịch. Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ theo ngành dọc để phòng, chống dịch hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai, áp dụng Nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 một cách linh hoạt, căn cứ tình hình, điều kiện của từng địa phương; Tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine, trong đó Bộ Y tế phải là đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra về chất lượng, cấp phép, lưu trữ, điều phối, tiêm phòng vaccine, đảm bảo an toàn, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất kinh doanh, song người di chuyển qua lại phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.

Đối với các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các tỉnh, thành phố, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng liên quan tổng hợp, xem xét, giải quyết ngay theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì trình Chính phủ để xem xét./.

Phạm Tiếp/TTXVN