Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên 

QTO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Mục đích là để tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 27-CT/TW phù hợp với thực tiễn của tỉnh; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

 

Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta đã được hiến định. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”. Trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu rõ các khái niệm tiết kiệm, lãng phí.

Theo đó, tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định.

Còn lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.

Trên thực tế, ở bình diện cả nước cũng như ở các địa phương, thời gian qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng; cùng với kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm QP-AN, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn để điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về những điều đảng viên không được làm; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng nêu rõ về vấn đề này.

Để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công. Triển khai các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

 

Một vấn đề quan trọng nữa, đó là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện hoạt động của thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác tội phạm. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội...

Phương Minh

 

https://baoquangtri.vn/thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-la-nhiem-vu-trong-tam-thuong-xuyen-186100.htm

46 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 980
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 980
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 80393232