Đây là nhận định được đưa ra khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 13 bộ, cơ quan, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công, sáng 25/7.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cụ thể, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công được cho là một điểm nghẽn với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao.
“Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm sẽ khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân. Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP, chạm mức trần 65% Quốc hội đề ra. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế”, báo cáo của Tổ công tác nêu rõ.
Thế nhưng tính đến ngày 15/6, tổng số vốn đầu tư công đã thanh toán mới đạt 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao.
Tại buổi kiểm tra, Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình người đứng đầu 13 bộ, cơ quan, địa phương và yêu cầu các đơn vị này giải trình rõ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể.
Nhận diện vướng mắc, công khai trách nhiệm từng Bộ
Giải trình đầu tiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc chậm giải ngân tập trung vào 2 dự án, điển hình là dự án đầu tư Học viện Chính sách Phát triển - chiếm 50% số vốn cấp cho bộ, nhưng giải ngân mới được 1,3 tỉ trong tổng vốn hơn 200 tỉ. Lý do chậm do thay đổi quy định thẩm định, Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội "đùn đẩy" nhau mất 9 tháng (tháng 10/2016 đến 7/2017).
Trước việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: "Chỉ thủ tục giữa Bộ với Bộ mà còn mất 9 tháng thế này thì địa phương với Bộ còn mất bao lâu? Công khai việc này để thấy trách nhiệm của Bộ".
Đại diện Bộ Ngoại giao nhận phê bình của Thủ tướng song cũng nêu lý do chậm trễ trong việc xây dựng trụ sở Bộ là vốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến 25/6 mới cấp (chậm 6 tháng). Hơn nữa, có thực tế là dự án này, Bộ phải giữ lại khoản 100 tỉ đồng để bảo hành, nhưng quy định hiện hành lại coi là không giải ngân hết.
Cũng theo Bộ Ngoại giao, một vướng mắc là có khoản tiền được chuyển tiếp từ năm trước, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu phải làm lại thủ tục từ đầu.
Trước việc này, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư thêm thủ tục, chứ chẳng có quy định nào như thế. Tiền giao cho chủ đầu tư từ năm ngoái chứ có phải cấp mới đâu. Cứ cho cán bộ ở Bộ về địa phương là hiểu vấn đề ngay, cứ ngồi trong phòng lạnh sao hiểu hết được thực tế đời sống như thế nào".
Ghi nhận kiến nghị của Bộ Ngoại giao về khoản tiền liên quan đến bảo hành, song Tổ trưởng Tổ công tác cũng “truy” lại đại diện Bộ Ngoại giao về việc thanh toán. Sau khi nghe giải trình, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định cũng có phần trách nhiệm của Bộ, bởi tiền thanh toán chưa đủ thì không nên lại giữ lại khoản tiền bảo hành.
Trong khi đó, nhiều cơ quan như Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh cho biết việc giải ngân chậm nhưng trên thực tế, khối lượng thực hiện đạt kết quả khá, chưa thanh toán nhưng đã tạm ứng cho các nhà thầu. Như với 2 dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, Bộ Y tế đã tạm ứng 2.000 tỉ trong tổng số 3.200 tỉ.
Hoan nghênh thực tế này, nhưng Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện các thủ tục để Bộ Xây dựng phê duyệt làm cơ sở thanh toán.
Theo đại diện Đà Nẵng, vấn đề “kẹt nhất” là đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục giao vốn còn nhiều rườm rà. Còn TP Hồ Chí Minh cũng “đang rất vướng” với việc các dự án phải điều chỉnh liên tục nhưng vẫn phải xin phép Hội đồng Nhân dân, trong khi Hội đồng Nhân dân 1 năm chỉ họp có 2 kỳ.
|
Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo tình hình giải ngân của các đơn vị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
3 lần lãng phí nếu chậm giải ngân
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị, quyết liệt chỉ đạo, rà soát lại tất cả các vấn đề từ thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện cho các nhà thầu tạm ứng nếu chưa thanh toán được. Địa phương cần tập trung vào khâu khó khăn nhất hiện là giải phóng mặt bằng, lãnh đạo cần trực tiếp chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng, còn rất nhiều cách để thúc đẩy giải ngân, như lập tổ công tác đặc biệt để đôn đốc, giao cán bộ theo dõi từng dự án…
“Việc chậm giải ngân sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là tiền để đấy, nhà nước phải trả lãi. Ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc.
Bộ trưởng cũng thông báo sắp tới, Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ trực tiếp đi kiểm tra một số công trình chậm giải ngân và cả một số công trình “đã giải ngân nhưng tiến độ lại chậm, tức là để phòng tránh chuyện lấy tiền về đem gửi vào ngân hàng”. “Nếu có thì không thể chấp nhận được”.
Một nhiệm vụ rất quan trọng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ các vướng mắc, hướng sửa đổi Luật Đầu tư công. Còn Tổ công tác, VPCP sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của các cơ quan và ngay tại phiên họp Chính phủ sắp tới sẽ đề nghị các giải pháp tháo gỡ, như cho phép các bộ ngành, địa phương được chủ động điều hòa vốn trong kế hoạch được giao.
“Có dự án giải ngân được, có dự án không. Nếu được điều hòa vốn, dồn cho công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ hiệu quả hơn là để vướng như hiện nay”, Bộ trưởng nhận định. Đồng thời đề xuất bỏ quy định dự án năm nay phải phê duyệt chủ trương đầu tư trước tháng 10 năm trước.
“Tinh thần là quyết tâm tới tháng 8, tháng 9 sẽ giải ngân tốt để cuối năm, 100% các đơn vị giải ngân hết vốn, nhưng không phải tới 31/12 mới giải ngân, mà giải ngân sớm để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giảm tổn thất, tránh “lãi giả lỗ thật” cho nhà thầu”, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ ngành, địa phương và khẳng định, tới tháng 10, đơn vị nào không giải ngân đạt yêu cầu thì Chính phủ dứt khoát sẽ điều chuyển vốn, không giao vốn cho đơn vị đó trong năm sau.
Quy trình "quá ôm đồm"
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận quy trình phân bổ vốn đầu tư công hiện nay “quá ôm đồm”.
“Cần tăng cường phân cấp cho các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hậu kiểm thôi, nếu Bộ không phản đối thì cứ tự động làm. Trong khi các địa phương có đầy đủ bộ máy như Hội đồng Nhân dân, nên để địa phương tự quyết định. Có nên quy định Thủ tướng Chính phủ có giao kế hoạch vốn các dự án từ nghìn tỷ đến mấy trăm triệu hay không?”, Thứ trưởng Đào Quang Thu bày tỏ quan điểm.
Bà Mai Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ôm hết” khiến quy trình đầu tư, giải ngân kéo dài, trong khi “ôm hết về cũng không làm được”.
|
Hà Chính