Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gắn với thương hiệu Việt  

(ĐCSVN) - Diễn đàn "Thương hiệu với hội nhập và phát triển bền vững" diễn ra ngày 20/4 ,do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gắn với thương hiệu Việt và bàn hướng đi mới cho Chương trình Thương hiệu quốc gia sau 15 năm chính thức đi vào triển khai.

 

 
Diễn đàn quy tụ nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực. Ảnh: KD

 

Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là đất nước có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định, hiện nay chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển ở mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí là ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với vấn đề hội nhập và phát triển xuất khẩu là phù hợp với xu hướng chung.

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro cũng chia sẻ: Sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sôi động hiện nay ngày càng khẳng định thương hiệu hàng hóa là tài sản vô hình, quý giá của mỗi doanh nghiệp cũng như của mỗi quốc gia. Thương hiệu là tài sản phi vật thể nhưng lại mang ý nghĩa vật chất thiết thực đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và một quốc gia hay một nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, để Chương trình Thương hiệu Quốc gia thực sự đóng góp vào vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập, ông Nguyễn Tiến Vượng mong muốn Chương trình sẽ sớm thiết lập được mô hình liên kết các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia với nhau và hợp tác các doanh nghiệp này với các tổ chức quốc tế để tạo nên sức mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo ông Vượng, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về sự cần thiết phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền phải gắn với việc đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ hàng Việt Nam; xây dựng lối sống, văn hóa mới trong tiêu dùng của người Việt Nam…/.

Kim Dung

 
600 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 891
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 891
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117886