Thông tin này được Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương Nguyễn Phúc Nam nhấn mạnh tại Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Australia trong bối cảnh CPTPP”.
Hội thảo diễn ra sáng 9/5, tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp với Tập đoàn IEC (Australia) tổ chức. Qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn giúp doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thêm một kênh thông tin đầy đủ khi muốn tiếp cận, mở rộng thị trường dệt may đầy tiềm năng của Australia.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết ngày 09/03/2018 vừa qua giữa 11 quốc gia, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường với khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2017 của khối CPTPP đạt trên 53 tỷ USD, trong đó Australia là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 3, chiếm tỷ trọng 11,67%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2017 vào khối CPTPP đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 9,07% thị phần, tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào khối CPTPP nói chung và thị trường Australia nói riêng là rất lớn.
Dệt may Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường Australia (Ảnh: HNV)
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Australia là một nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G20 với dân số khoảng 24 triệu người, là một thị trường có sức mua khá lớn và nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may; trong khi đó, Việt Nam hiện có thị phần nhập khẩu tương đối nhỏ tại Australia và vẫn còn dư địa để mở rộng.
Tại Hội thảo, phát biểu về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực dệt may của hai bên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh CPTPP được ký kết, Việt Nam và Australia có nhiều triển vọng trong hợp tác tăng trưởng kim ngạch thương mại, trong đó có lĩnh vực dệt may. Theo đó, có thể kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm, hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may của hai bên, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ kỹ thuật, công nghệ cho các khâu dệt, nhuộm, thiết kế thời trang…).
Dịp này, ông Rajesh Bahl, Quản lý dự án của Tập đoàn IEC (Australia) đã giới thiệu về một số diễn đàn xúc tiến thương mại lớn tại Australia mà doanh nghiệp Việt có thể thông qua đó để tiếp cận thị trường nước này, trong đó có International Sourcing Expo Australia - Diễn đàn triển lãm thương mại chuyên dụng duy nhất của Australia dành cho nguồn cung ứng quốc tế trong lĩnh vực may mặc, phụ kiện dệt may và da giày – một sự kiện kết hợp 3 triển lãm thương mại khác nhau.
Sự kiện này sẽ diễn ra từ 20-22/11/2018 tới đây với các đối tác tổ chức: Hiệp hội các nhà bán lẻ Australia, Hội đồng thời trang Australia và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International…/.
Hà Anh