Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả cơ bản. Trong đó, diện tích rừng sau một thời gian suy thoái đã dần được khắc phục, độ che phủ rừng được nâng lên từ 28% năm 1992 lên 41,19% năm 2016. Vi phạm pháp luật về rừng giảm về số vụ. So với 10 năm trước, đã giảm 80% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, đời sống người làm nghề rừng ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, tốc độ sản xuất ngành lâm nghiệp tăng nhanh, đạt 5,9% năm 2013, 6,1% năm 2014, 6,7% năm 2015, 7,1% năm 2016. Sản lượng gỗ rừng trồng hiện nay đã cung cấp được 19 triệu m3, 2 triệu m3 cây phân tán, đáp ứng được 80% nguyên liệu cho sản xuất trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.

Đáng chú ý, công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản đã trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sản phẩm đồ gỗ đã xuất khẩu trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 7,3 tỷ đô la, năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 8 tỷ đô la, tăng rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Ngành đã triển khai được các tiêu chí bền vững trong lâm nghiệp, đặc biệt là dịch vụ môi trường rừng, hiện đang tiếp tục nâng cao để mở rộng thêm các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành lâm nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt là vấn đề rừng tự nhiên đang bị xâm hại, giá trị tăng trưởng theo chuỗi lâm nghiệp mới hình thành và còn thấp. Tăng trưởng lâm nghiệp chưa giải quyết được vấn đề người làm rừng sống và làm giàu từ rừng. Tư tưởng quản lý, suy nghĩ hàm chứa bao cấp vẫn chưa thoát khỏi trong một số công ty lâm nghiệp….

Thứ trưởng Hà Công Tuấn mong muốn các nhà lãnh đạo,  quản lý ngành lâm nghiệp cần quan tâm đến các giải pháp hiệu quả, đặc biệt về các chính sách nhằm đóng góp cho ngành lâm nghiệp phát triển.

Phát biểu tại Tọa đàm, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, hiện nay, tổ chức sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ rừng vẫn chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, rất cần phát triển chuỗi giá trị từ cây gỗ đến thị trường, tổ chức quản lý và chế biến sản phẩm từ rừng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, quan tâm đến kinh doanh nông lâm kết hợp, tổ chức sản xuất toàn diện, phát huy được vai trò của các lâm trường, trang trại của người dân. Quan tâm, động viên cổ vũ và biểu dương những hộ, doanh nghiệp làm rừng giỏi, kết hợp đầu tư về kỹ thuật đi liền với con người.

Tại Tọa đàm, ý kiến của các đại biểu còn quan tâm đến các vấn đề về các công ty lâm nghiệp trước đây sống bằng nghề khai thác rừng, giờ đóng cửa rừng, vậy cần có chính sách đối với các công ty lâm nghiệp này?. Tổ chức đội ngũ kiểm lâm ở Trung ương đã đảm bảo nhưng ở huyện cần xem xét tổ chức lại, đồng thời quan tâm đến việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ.

Với việc rừng bị tàn phá nghiêm trọng, đa dạng sinh học bị suy giảm, trong đó có nguyên nhân nhân tai gây nên, hệ thống chính sách và pháp luật còn nhiều bất cập và yếu kém, chưa theo kịp diễn biến cuộc sống, công tác quản lý và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập,…các đại biểu cho rằng, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm để tương lai không còn vi phạm. Đồng thời, làm thế nào để Luật Lâm nghiệp vừa được thông qua được thể hiện tốt trong các Nghị định, Thông tư,…nhằm đưa Luật đi vào thực tế cuộc sống thiết thực và hiệu quả./.

BT ​