Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrong là một trong Dự án do Ban Dân tộc tỉnh và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE) tỉnh phối hợp thực hiện nhằm góp phần làm cho người khuyết tật dân tộc thiểu số sớm được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và cấp giấy CNQSD đất. Nhằm nâng cao nhận thức của người khuyết tật về quyền sử dụng đất; về các chính sách, dịch vụ và quy trình liên quan, Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh đã chủ trì, phối hợp với MCNV và Hội NKT, NNDC/DIOXIN, BTXH các huyện tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách liên quan đến hộ gia đình người khuyết tật ở địa bàn 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông. Trong đó: Đối tượng là người khuyết tật có 1.151 lượt người tham gia (34 lớp/34 xã). Đối tượng cán bộ địa chính cấp xã và cán bộ truyền thông của Hội NKT, NNDC/DIOXIN, BTXH huyện có 2 lớp/38 học viên. Ngoài ra, thông qua các hoạt động của dự án đã xây dựng 01 bộ sách ảnh, 03 phim tài liệu phản ánh về thực trạng đất ở, đất sản xuất và một số kết quả hỗ trợ đến hộ gia đình người khuyết tật ở vùng đồng bào dân tộc miền núi. Thông qua các lớp tập huấn, các hộ gia đình có người khuyết tật nâng cao nhận thức về chính sách của Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cũng như các chính sách đối với người khuyết tật như Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, Luật người khuyết tật, Luật đất đai và một số chính sách liên quan đến người khuyết tật.
Sau khi tiến hành điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu của hộ gia đình người khuyết tật tại các xã, thị trấn thuộc 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa, Ban Dân tộc tỉnh, MCNV và Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh cùng các cấp, ngành liên quan đã thực hiện hỗ trợ 112 hộ gia đình/124 hộ đăng ký dự án hỗ trợ ở địa bàn 8 xã/thị trấn thuộc huyện Đakrông và 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa. Trong đó: Có 94/112 hộ gia đình được hỗ trợ san tạo mặt bằng, (có 55 hộ gia đình
được hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở, với diện tích: 13.558 m2 và có 39 hộ được hỗ trợ cải tạo mặt bằng đất sản xuất; với diện tích: 84.080 m2). Có 18/112 hộ gia đình được hỗ trợ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất. (06 hộ gia đình được hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất ở; 12 hộ gia đình được hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất sản xuất). Có 17/112 hộ gia đình vừa được hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất vừa được hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở hoặc đất sản xuất. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ san gạt đất sản xuất đã đưa vào trồng lúa nước, trồng cà phê, trồng sắn kịp thời vụ, phát huy hiệu quả.
Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu thực sự đem lại những ý nghĩa tích cực, thiết thực và cụ thể cho cuộc sống của người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo điều kiện để người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng cộng đồng và xã hội, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thủy Phương