|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại đối thoại. (ảnh: HM)
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Đối thoại chia sẻ lộ trình thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh triển khai Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho việc tham gia chuỗi cung ứng Việt Nam vào chuỗi thủy sản toàn cầu một bền vững.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định việc khuyến khích và đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là những hoạt động quan trọng của Quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang phê chuẩn một loạt các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EV-FTA.
Chuyên gia tư vấn Lê Văn Bằng cho rằng, ở Việt Nam việc nhận thức về thực trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa có khung pháp lý tương thích dù đã được triển khai 10 năm trong ngành thủy sản. Hiện tổ chức và doanh nghiệp đang thực hiện một cách thụ động, chưa phân định rõ vai trò về trách nhiệm xã hội; người lao động cũng chưa nhận ra việc thực hành trách nhiệm xã hội là đảm bảo quyền lợi và môi trường an toàn trong công việc hằng ngày; công tác truyền thông về thực hành trách nhiệm xã hội còn chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Bằng trong ngành thủy sản đã có nhiều mô hình chuỗi có đặc điểm về thực hành trách nhiệm xã hội như mô hình chuỗi khuyến khích sản xuất bền vững và đạo đức; nhiều nhà máy đã thực hiện và phổ biến được việc thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành… Tuy nhiên, để các mô hinh đạt hiệu quả thì chưa nhiều.
Để việc thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành thủy sản Việt Nam đạt hiệu quả, ông Bằng đề xuất cần tổ chức tập huấn cho người thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại địa bàn như các nhà máy chế biến nhân viên nhà nước, nhân viên phụ trách; Hỗ trợ các liên kết đã được hình thành giữa nông dân với các công ty chế biến thủy sản và người mua hàng; hỗ trợ các công ty, nhà máy, tổ chức muốn thực hiện trách nhiệm xã hội; có sự gắn kết giữa các cơ quan truyền thông để tuyên truyền rộng rãi và đúng về thực hiện trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thực hiện đối thoại nhiều vấn đề về ưu điểm của ngành thủy sản Việt Nam, việc thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dưới góc độ về quản lý lao động, trong lĩnh vực quản lý Nhà nước...
Sau 10 năm thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều cơ sở đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều sản phẩm thủy sản được đánh giá cao trên thị trường quốc tế, nâng cao giá trị của ngành thủy sản, cũng như nâng cao đời sống của người dân. Ngành thủy sản đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành kính tế, hiện thủy sản Việt Nam có mặt ở 160/180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ những mô hình sản xuất nuôi trồng thủy hải sản nhỏ lẻ, hiện chúng ta có nhiều mô hình liên kết tổ chức sản xuất lớn, công nghệ hiện đại giải quyết đáng kể việc làm cho nguồn lao động nông thôn.
|
Các đại biểu chia sẻ giải pháp để thực hiện hiệu quả thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành thủy sản (ảnh: HM) |
Hiện nay đã có rất nhiều hướng dẫn và công cụ giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm nhằm giải quyết các khía cạnh khác nhau về tính bền vững như tính minh bạch, môi trường, quyền con người và tiêu chuẩn lao động. Tổ chức ILO về các nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã cũng đưa ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp đa quốc gia, chính phủ và tổ chức của người sử dụng lao động/ người lao động trong các lĩnh vực như việc làm, đào tạo, điều kiện làm việc, sinh hoạt và quan hệ lao động.
Các đại biểu khẳng định: Muốn thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm đạt hiệu quả trong ngành thủy sản thì không chỉ cần nỗ lực của ngành mà đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, của các tổ chức liên quan và các cơ quan thông tin truyền thông cũng như người lao động./.
Hoàng Mẫn