Ngày 25/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động theo định hướng hợp tác chung giữa hai Viện về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu khẳng định, trong chiến lược phát triển hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, trong đó thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm giữ vai trò quan trọng. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp nhưng Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa nội dung thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào chương trình nghị sự phát triển, tuy nhiên đối với Việt Nam, đây là một vấn đề mới và đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. “Vì thế, việc nghiên cứu so sánh kinh nghiệm của các nước đi trước cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong một số lĩnh vực và tại một số địa phương, từ đó, rút ra một số gợi mở chính sách là hết sức cần thiết” – Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu nhấn mạnh.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu tại Hội thảo, Chuyên gia cao cấp về kinh doanh có trách nhiệm – Luật sư Nguyễn Văn Huấn cho rằng, kinh doanh có trách nhiệm là một khái niệm phức tạp, bao trùm và còn tương đối mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của khung khổ về kinh doanh có trách nhiệm đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật và chuẩn bị thực hành kinh doanh có trách nhiệm để nắm bắt những cơ hội mới. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp không chỉ cần sự nỗ lực tự thân mà còn cần sự trợ giúp từ rất nhiều bên liên quan để bắt kịp xu thế, trước hết tập trung vào việc nâng cao nhận thức và năng lực. Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góc tiếp cận, xu thế thực hành và tham vấn chính sách là những hoạt động cốt lõi nhất giúp doanh nghiệp bắt đầu con đường thực hành kinh doanh có trách nhiệm đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội.
Chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh châu Âu trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm, TS. Bùi Việt Hưng đến từ Viện Nghiên cứu châu Âu cho rằng, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hay kinh doanh có trách nhiệm được xem là một công cụ quan trọng của Liên minh châu Âu trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Nhằm thúc đẩy sự lan tỏa, trách nhiệm hơn của các doanh nghiệp trên toàn cầu, Liên minh châu Âu cũng đã và đang nỗ lực hơn trong việc đưa các vấn đề thương mại và phát triển bền vững vào trong các Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới.
Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực nội tại về vốn, con người còn hạn chế, điều này khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, nắm bắt thông tin, quy định về thị trường của EU… “Như vậy, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam phải vượt qua hàng loạt những thách thức đến từ EVFTA cũng như chính những vấn đề nội tại của mình trong việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh có trách nhiệm” - TS. Bùi Việt Hưng khuyến nghị.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với việc đề cao thương mại bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do, thì việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm là cơ sở và điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu và phát triển bền vững.
Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành hệ thống quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và nhiều chính sách, hành lang pháp lý cũng đã được bổ sung, hoàn thiện để hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội. Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.Theo định nghĩa của UNDP (2023), kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội. |
T.Lan