Khai mạc sự kiện Banking Vietnam 2019 (Ảnh:M.P)
Theo Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thông qua đó, gia tăng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Để thực hiện “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia”, bên cạnh nhiều trụ cột khác, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào triển khai thành công Chiến lược.
Năm 2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho biết, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh duy trì 10%. Tỉ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán 11,57%, giảm 14,02% năm 2010.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng. Số lượng thẻ đến tháng năm 2018 đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Giao dịch qua ATM trong quý 1 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoài. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý 1 năm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Thanh Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những hạn chế như hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa trang bị các nông thôn, miền núi. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử mới chưa được triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán vùng nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, phần lớn người dân vẫn sử dụng mặt do tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm trở nên phổ biến và hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ từ tương tác giới hạn trong môi trường off-line, gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng sang môi trường giao dịch trực tuyến không gặp mặt, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
“Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng;…”, Phó thống đốc nhận định./.
Minh Phương