Thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
 

 

 
 Ảnh minh họa - Internet

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021

Thời gian qua, hai đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đã tác động trực diện, sâu rộng đến nền kinh tế; sản xuất kinh doanh đình trệ, đặc biệt là dịch vụ, vận tải, lưu trú và các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu...; việc làm, thu nhập người lao động suy giảm nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế và trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong khoảng từ 1,5-3,3% (tổ chức quốc tế: 1,5-3,3%; tổ chức trong nước: 2-3%).

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành các chính sách kích cầu nội địa, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ, kinh tế Quý III/2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Theo đó, Việt Nam có các yếu tố thuận lợi như: tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên dự kiến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quý IV; khu vực sản xuất có những tín hiệu khả quan, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất; chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế… Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5-3%.

Năm 2021, các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, trong miền từ 6,3-11,2%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản:

Kịch bản 1: Nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5-7,5%.

Kịch bản 2: Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5-6%.

Định hướng giải pháp nhiệm vụ thời gian tới

Trên cơ sở dự kiến các kịch bản những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, rà soát cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch; triển khai các giải tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác truyền thông và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19; Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh; tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, giải pháp tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020…

297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 991
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 991
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87207809