Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa chính sách vào thực tế, chúng ta đang đứng trước nhu cầu thay đổi để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình mới.

Lao động Việt Nam ở nước ngoài – nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước

Công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Kobe, phía Tây Nhật Bản. (Ảnh: EPA)

Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng qua các năm. Nếu như trong năm 2016, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 126.000 thì đến năm 2017 con số này là 135.000; năm 2018 là 143.000; năm 2019 là 152.000. Chỉ tính riêng sáu 6 tháng đầu năm 2020 đã có 33.000 người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng (tập trung chủ yếu 3 tháng đầu năm).

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người, Nhật Bản có gần 200.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia có 25.000 người... Bên cạnh đó, thu nhập tiết kiệm của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên so với trước đây, khoảng 1.500 USD tại Nhật Bản và 1.800 USD ở Hàn Quốc, 600 - 800 USD tại Đài Loan (Trung Quốc), 350 - 500 USD tại Malaysia và Trung Đông. Đặc biệt, đối với lao động có chứng chỉ trình độ tay nghề, mức lương cơ bản khoảng 900 – 1.000 USD/tháng, nhưng thu nhập có thể đến 1.500 – 2.000 USD/tháng nhờ làm thêm và năng suất lao động. Hàng năm, số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD.

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoạt động quan trọng tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội từ tất cả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, các tổ chức và người lao động được ghi nhận cụ thể trong Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 8/2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng, chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc ở nước ngoài là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp. Mục đích người lao động ra nước ngoài làm việc nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho bản thân người lao động, bên cạnh đó góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho gia đình người lao động. Trong thời gian qua, những chủ trương nêu trên đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Bộ Luật lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Theo đánh giá của ông Liêm, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được kết quả nói trên là do sự vào cuộc từ phía các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian qua đã giúp phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đề nghị sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Nhu cầu sửa đổi Luật số 72

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, mục đích sửa đổi Luật là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: Minh Tú) 

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (gọi là Luật số 72) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Qua hơn 10 năm thi hành (2007 - 2018), Luật số 72 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý, bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72 để phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, mục đích sửa đổi Luật là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Theo đó, hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau quá trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến, dự thảo Luật đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến từ ngày 03/12/2019.

Cho đến nay, dự thảo Luật đã nhận được khoảng 300 lượt ý kiến góp ý, gồm:  6 Bộ, ngành, 33 Ủy ban nhân dân và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, Hiệp hội xuất khẩu lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế (ILO), 203 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia, ban quản lý lao động ngoài nước và người lao động. Hiện nay, hồ sơ dự án Luật đang tiếp tục xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, người lao động trong quá trình trình Quốc hội thảo luận và thông qua.

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi đã được Quốc hội đưa ra thảo luận vào ngày 10/6 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2020. Sau khi thông qua, luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vào thời điểm đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập ./.

 
Thu Lan