Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Xcốt Mo-ri-xơn
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Xcốt Mo-ri-xơn (Scott Morrison) và Phu nhân bắt đầu tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8/2019.
Ô-xtrây-li-a thuộc Khối thịnh vượng chung (The Commonwealth of Australia), nằm ở bán cầu Nam, bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, Biển A-ra-phu-ra ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam. Diện tích, gần 7.7 triệu km2 (lớn thứ 6 thế giới), có đường bờ biển dài 25.760 km; dân số, 25,09 triệu người (2/2019). Tài nguyên thiên nhiên: Giàu khoáng sản như vàng, bôxít, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí và thiếc; đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người: 57,821.511 USD (năm tài khóa 2018-2019)
Điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2019 của Ô-xtrây-li-a là quá trình chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội liên bang ngày 18/5/2019, bầu ra 151 ghế tại Hạ viện và 40/76 ghế tại Thượng viện có nhiệm kỳ 03 năm (2019-2022). Tham gia cuộc bầu cử có 59 đảng chính trị, 1514 ứng viên, trong đó có 1056 ứng viên tranh cử vào Hạ viện và 458 ứng viên tranh cử vào Thượng viện. Đã có gần 96,8% cử tri (16,5 triệu người) đi bỏ phiếu. Theo kết quả chính thức, Liên đảng cầm quyền của Thủ tướng Xcốt Mo-ri-sơn đã giành được 77/151 ghế Hạ viện, Công đảng đối lập giành được 68/151 ghế. Ngày 26/5/2019, Thủ lĩnh Liên đảng, Thủ tướng tái cử Xcốt Mo-ri-sơn đã công bố danh sách Nội các mới, trong đó tái bổ nhiệm các vị trí chủ chốt như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Phát triển vùng; các Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại, Du lịch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ.
Tháng 7/2019, gói cắt giảm thuế thu nhập theo 3 bước như cam kết trong chiến dịch tranh cử của Liên đảng cầm quyền đã được Hạ viện thông qua sau khi chấp nhận yêu cầu của Công đảng đối lập sửa đổi giai đoạn đoạn 3, từ 2024-2025, mức giảm trần 30% cho người có thu nhập cao. Dự kiến gói giảm thuế này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 158 tỉ AUD mỗi năm.
Ô-xtrây-li-a tiếp tục củng cố thực lực quốc phòng, chú trọng tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực Tây và Tây Bắc nhìn ra Ấn Độ Dương và Đông Nam Á; công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới (1/2013), Sách trắng Quốc phòng (3/2016) và Sách trắng Đối ngoại (12/2017) – trong đó đề cao đối ngoại quốc phòng như một biện pháp củng cố vị thế Ô-xtrây-li-a tại khu vực và cân bằng ảnh hưởng với các cường quốc khác. Tháng 5/2018, Quốc hội duyệt chi ngân sách quốc phòng tăng 4% lên 36,4 tỉ AUD (26,9 tỉ USD) và sẽ tăng lên 2% GDP vào năm 2020-2021.
Sau 28 năm kinh tế tăng trưởng dương liên tục (nước phát triển duy nhất làm được điều này), lần đầu tiên Ô-xtrây-li-a đối mặt với nguy cơ suy thoái. Tăng trưởng chậm lại rõ rệt, chỉ đạt 0,4% trong 6 tháng đầu năm 2019 (thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009), dự kiến cả năm chỉ đạt 1,8% (so với 2,4% năm 2018), chủ yếu do chi tiêu hộ gia đình giảm, thị trường địa ốc chững lại và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ngân hàng Trung ương Ô-xtrây-li-a tiếp tục giữ nguyên lãi suất tiền gửi, thể hiện chính sách thận trọng. Các báo cáo tài chính của của các Ngân hàng lớn và các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá kinh tế Ô-xtrây-li-a không mấy khả quan, năm tài chính 2018-2019 chỉ đạt mức 2,8% (thấp hơn dự báo 2,9%); OECD cho rằng kinh tế Ô-xtrây-li-a sẽ chỉ đạt tăng trưởng 2,7% năm 2019 và 2,5% năm 2020.
Tuy nhiên, chính quyền Ô-xtrây-li-a tiếp tục tỏ ra lạc quan với việc CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ đầu 2019; vừa ký được Hiệp đinh Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) với In-đô-nê-xi-a (3/2019), theo đó rất nhiều mặt hàng chủ lực của Ô-xtrây-li-a như gia súc sống, các sản phẩm gia súc, các ngành công nghiệp giáo dục, chế biến sữa…sẽ được xuất khẩu mạnh sang In-đô-nê-xi-a với mức thuế 0%. Các Bộ trưởng kinh tế cho rằng hai hiệp định kinh tế này sẽ là nền tảng để vực dậy nền kinh tế Ô-xtrây-li-a và tạo thêm nhiều việc làm.
Tháng 4/2019, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã trình Quốc hội Dự luật ngân sách 2019-2020. Tổng ngân sách 2019-2020 của Ô-xtrây-li-a là 493,2 tỉ đô la Ô-xtrây-li-a (AUD), thặng dư 7,1 tỉ AUD so với năm tài khóa 2018-2019 (lần đầu tiên thặng dư sau 12 năm thâm hụt) chủ yếu tập trung cho các mục tiêu dân túy như giảm thuế, tăng thu nhập cho người thu nhập thấp, tăng hỗ trợ dịch vụ y tế. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) năm 2019-2020 là 4,0 tỉ AUD, tập trung chủ yếu cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu hỗ trợ các nước phát triển kinh tế bền vững, giảm đói nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, phòng chống bệnh dịch, nâng cao quyền phụ nữ và trẻ em gái...
Ô-xtrây-li-a đề cao việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tự do thương mại và liên kết kinh tế; ủng hộ cấu trúc khu vực hiện hành với ASEAN đóng vai trò trung tâm, duy trì quan hệ tương đối cân bằng với các nước lớn.
Từ khi lên nắm quyền (28/8/2018), Thủ tướng Xcốt Mo-ri-xơn tiếp tục đường lối đối ngoại khá độc lập, tự chủ và chủ động của Ô-xtrây-li-a, cụ thể: coi trọng quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a và Việt Nam; nỗ lực duy trì vai trò lãnh đạo tại khu vực Nam Thái Bình Dương .
Ô-xtrây-li-a đang nỗ lực đẩy mạnh tự do thương mại và liên kết kinh tế thông qua Hiệp định CPTPP (có hiệu lực từ 2019), tiếp tục thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định tự do thương mại ASEAN- Ô-xtrây-li-a – Niu Di-lân (AANZFTA) và các hiệp định thương mại tự do song phương với Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc....
Về vấn đề Biển Đông, Ô-xtrây-li-a có quan điểm nhất quán và rõ ràng, yêu cầu các bên duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và một trật tự dựa vào luật lệ; đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc uy hiếp nhằm thay đổi nguyên trạng của Biển Đông; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Ngày 02/8/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a cùng các Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật đã ra Tuyên bố ba bên tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông; phản đối mạnh mẽ những hành động mang tính cưỡng ép đơn phương có thể dẫn đến thay đổi nguyên trạng và leo thang căng thẳng như việc xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các thực thể và các hành động khác có thể làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở các khu vực chưa được phân định; nhấn mạnh ý nghĩa pháp lý của phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không.
Việt Nam và Ô-xtrây-li-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Sau hơn 45 năm, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Quan hệ song phương phát triển nhanh, thực chất và hiệu quả, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Toàn diện tăng cường năm 2015. Nhân chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (14-17/3/2018), hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Hai nước đã thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động giai đoạn 2016 - 2019 và đang xúc tiến xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2020 - 2022 để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược. Ô-xtrây-li-a đánh giá Việt Nam là đối tác then chốt trong ASEAN, đồng thời là đối tác phát triển hiệu quả trong suốt quá trình đổi mới.
Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a được đánh dấu bởi những chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa lãnh đạo hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3/2018); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2015); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2017); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (7/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (12/2016); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (4/2018); Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn (11/2017); Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (10/2017); Bộ trưởng Công an Tô Lâm (9/2015 và 12/2016)...
Lãnh đạo Ô-xtrây-li-a thăm Việt Nam gần đây có: Thủ tướng Giôn Ha-uốt (11/2006); Thủ tướng Giu-li-a Gi-lát (10/2010); Chủ tịch Hạ viện An-na Bớc (5/2013) Bộ trưởng Ngoại giao Giu-li Bi-sốp (5/2018 và 2/2014) và Chủ tịch Hạ viện Bờ-rao-uyn Bi-sốp (9/2014); Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Man-côm Tơn-bun sang dự Hội nghị Cấp cao APEC (11/2017); Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Pít-tơ Cốt-gờ-rô thăm cấp Nhà nước (5/2018); Thủ hiến vùng Lãnh thổ Bắc Ô-xtrây-li-a Mai-cơn Găn-nơ (11/2018); Chủ tịch Thượng viện Xcốt Rai-ần (01/2019); Thống đốc bang Quin-xlen Pôn đờ Giơ-xi (25-29/5/2019); Bộ trưởng Ngoại giao và Phụ nữ Ma-ri-xơ Pên (12-13/6/2019) thăm chính thức.
Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên bao gồm các cuộc họp và tiếp xúc thường niên cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế; đối thoại chính sách trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, nông nghiệp, khoa học và đổi mới; các cơ chế tham vấn lãnh sự, luật pháp, viện trợ phát triển...
Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh, thăm viếng hải quân... Hai bên đã ký MOU về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (2016); Ô-xtrây-li-a đã hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Su-đăng (2018). Ô-xtrây-li-a là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam (Tp. HCM), qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 4 của Ô-xtrây-li-a trong ASEAN (tăng 1 bậc so với năm 2017), Ô-xtrây-li-a là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 8,8% mỗi năm, năm 2017 đạt gần 6,5 tỉ USD (tăng 22,2% so với năm 2016); năm 2018 đạt 7,712 tỉ USD (tăng 19,3% trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4 tỉ USD, tăng 20,9% và nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỉ, tăng 17,8%) và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3,84 tỉ USD (tăng 6,1% so với cùng kỳ 2018). Tính đến hết tháng 6/2019, Ô-xtrây-li-a có 458 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,86 tỷ USD, đứng thứ 20/131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 53 dự án đầu tư trực tiếp vào Ô-xtrây-li-a với tổng giá trị đạt hơn 247 triệu USD, trong đó nổi bật là dự án mua trang trại chăn nuôi gia súc trị giá 135 triệu USD của tập đoàn TH.
Ô-xtrây-li-a là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018). Ô-xtrây-li-a viện trợ không hoàn lại cho ta 90 triệu AUD để xây cầu Mỹ Thuận (khánh thành tháng 5/2000) và 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh (khánh thành tháng 5/2018). Trong bối cảnh cắt giảm ODA nói chung, Ô-xtrây-li-a tiếp tục dành ODA cho Việt Nam 78,2 triệu AUD (giảm 7%) trong năm tài khóa 2019-2020, tập trung trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.
Giáo dục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Ô-xtrây-li-a cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam (có giai đoạn lên tới 400 suất/năm, hiện nay duy trì khoảng gần 100 suất). Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Ô-xtrây-li-a (trong đó 90% theo diện tự túc). Bên cạnh đó, các trường đại học/học viện của hai nước đang có 18 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Chương trình Cô-lôm-bô Mới ngày càng thu hút nhiều học giả, sinh viên Ô-xtrây-li-a tham gia thực tập ở Việt Nam, tổng cộng giai đoạn 2015-2019 đã có gần khoảng 2500 người tham gia, tăng trung bình 20% mỗi năm.
Ô-xtrây-li-a đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tháng 11/2017 hai nước đã công bố chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Ô-xtrây-li-a; hai bên bắt đầu triển khai Chương trình Lao động Kỳ nghỉ từ tháng 3/2015 cho phép công dân Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a du lịch kết hợp làm việc và đang xem xét tăng hạn ngạch (từ 200 người/năm hiện nay lên 1.500 người/năm). Số lượng khách du lịch Ô-xtrây-li-a đến Việt Nam tăng đều qua các năm, năm 2018, đã có 386.934 lượt du khách Ô-xtrây-li-a tới Việt Nam, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017 và đứng thứ 6/10 thị trường hàng đầu vào Việt Nam; 4 tháng đầu năm 2019 có 14.997 lượt khách, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch Ô-xtrây-li-a thường lưu trú dài ngày và chi tiêu cao hơn mức trung bình. Ngược lại, số lượng khách du lịch Việt Nam đến Ô-xtrây-li-a năm 2017 tuy vẫn tăng 33,6% so với 2016 nhưng chỉ đạt 93.800 lượt, đứng thứ 18/57 thị trường có khách du lịch đến Ô-xtrây-li-a.
Cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại Ô-xtrây-li-a có số lượng khoảng 300.000 người (đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Ô-xtrây-li-a). Người Việt sống chủ yếu tại các bang Niu Xao Uên, Vích-to-ri-a, Quin-xlan, Nam Ô-xtrây-li-a, đông nhất là bang Niu Xao Uên (114.000 người) và bang Vích-to-ri-a (88.200 người), Quin-xlen (gần 20.000 người).
Đến nay hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, LHQ. Việt Nam ủng hộ Ô-xtrây-li-a ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016-2017. Ô-xtrây-li-a đang đề nghị Việt Nam tiếp tục ủng hộ vào Hội đồng IMO nhiệm kỳ 2018-2019. Ô-xtrây-li-a ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và ECOSOC 2016-2018; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2021.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Xcốt Mo-ri-xơn diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam- Ô-xtrây-li-a phát triển mạnh mẽ, tin cậy chính trị ngày càng gia tăng thông qua trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Xcốt Mo-ri-xơn lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a./.
Mạnh Hùng