Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây  

Ngày 6/12, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây, với trên 600 đại biểu các tỉnh, thành, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong cả nước đã tham dự.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: VTV.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, hội nghị nhằm mục đích đánh giá lại thực trạng phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam thời gian qua và bàn giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế phát huy tiềm năng kinh tế lớn này trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ông Doanh cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây, rau quả đứng thứ 3 trong số 5 nhà xuất khẩu chính khu vực các nước ASEAN. Các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 60 nước và vùng lãnh thổ với chủ lực là các loại quả nhiệt đới như: Thanh long, dứa, xoài, bơ, mít, đu đủ,..

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam liên tục tăng, mang lại những tín hiệu vui. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so năm 2015. Năm 2017, dự kiến rau, quả Việt Nam đạt kim ngạch từ 3,46 -  3,63 tỷ USD, tăng từ 40,9% đến 47,9% so với năm 2016. Còn nếu tính chung thì tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2011 – 2016) đã đạt 32,3%/năm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích cây ăn quả cả nước những năm gần đây liên tục tăng và đạt tổng diện tích trên 857.000 ha. Diện tích tăng chủ yếu do nhiều địa phương chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh sang trồng cây ăn quả, tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, nhờ ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật thâm canh nên năng suất, sản lượng cây ăn quả nước ta cũng tăng mạnh. Năng suất bình quân của tất cả các loại quả đạt trên 10 tấn/ ha và tổng sản lượng đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng hơn 25% so năm 2010. Để phát huy tốt tiềm năng sản xuất, xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị tiếp tục mở rộng diện tích một số loại cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu đồng thời với tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc (sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP). Ngoài ra, chú trọng nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương hiện có gần 73.000 ha vườn trồng cây ăn quả các loại, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng mỗi năm đạt trên 1,3 triệu tấn quả các loại. Tỉnh xem phát huy tiềm năng cây ăn quả hướng đến xuất khẩu là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Để đạt mục tiêu, Tiền Giang tập trung cho quy hoạch những vùng chuyên canh, xác định cây trồng chủ lực để tập trung phát triển, kiện toàn kiến thiết hạ tầng vùng chuyên canh và chuyển giao kỹ thuật thâm canh,…

Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ra những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất cây ăn quả an toàn, bền vững; trong đó, nhấn mạnh việc phải đặt yêu cầu sản xuất an toàn, bền vững lên hàng đầu, ứng dụng phòng chống sâu bệnh tổng hợp theo phương châm phòng là chính nên cần chỉ đạo sản xuất theo quy trình đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật đến thu hoạch.

Đặc biệt, cần quan tâm tổ chức liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu với nông dân hoặc đại diện nông dân để đảm bảo sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc… Từ đó, hình thành vùng sản xuất an toàn phục vụ xuất khẩu theo từng thị trường để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng cây có múi hàng hóa, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Tại các vùng này sẽ sản xuất theo qui trình tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng qui trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo nông dân những việc cần phải làm ngay để có thể xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ nói riêng. Đó là: Hợp tác hóa để sản xuất cây ăn quả ở qui mô lớn, nông sản đồng nhất hơn; sản xuất rải vụ để có sản phẩm xuất khẩu quanh năm; Thực hiện qui trình thâm canh VietGAP hoặc GlobalGAP cũng như chăm sóc cây trồng và thu hoạch đúng qui trình kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, Việt Nam có điều kiện phát triển nhiều loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, nông dân nhạy bén và có trình độ thâm canh cao, thị trường tiêu thụ đang rộng mở. Tuy nhiên, cây ăn trái Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Đó là hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, thiếu tính ổn định về sản lượng và giá, thiếu tính bền vững trong phát triển. Mặt khác, cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu đặc biệt là kiểm dịch, an toàn thực phẩm.

Do vậy, để cây ăn trái sản xuất, xuất khẩu bền vững cần thiết phải tổ chức liên kết sản xuất một cách chặt chẽ, tôn trọng lợi ích các bên liên quan. Đẩy mạnh phát triển chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các sản phẩm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và khắc phục tình trạng lệ thuộc vào riêng một thị trường nào đó./.

Minh Trí/TTXVN

 
803 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 440
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 440
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77552963