Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau 

(ĐCSVN) – Ngày 26/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tại Hội thảo, UNDP đã công bố Báo cáo Phát triển con người toàn cầu của Liên hợp quốc 2016 với tiêu đề “Phát triển con người cho tất cả mọi người".

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain; đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện một số bộ, ban, ngành, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ; đại diện các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng  đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, sự chủ động và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng sự hỗ trợ của UNDP, các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế, các nội dung, giải pháp phát triển dân tộc thiểu số sẽ được triển khai thực hiện, đạt hiệu quả cao, tạo nền tảng vững chắc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain cho biết, trọng tâm của Hội thảo trùng với chủ đề của Báo cáo Phát triển con người mới nhất của UNDP. Theo Báo cáo của UNDP, hai nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Bất bình đẳng đối với dân tộc thiểu số là vấn đề dai dẳng, đã có cải thiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công. Theo UNDP, người di cư thường không nghèo về thu nhập, nhưng nghèo đa chiều và có sự chênh lệch lớn giữa người di cư và người dân địa phương.

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu của Liên hợp quốc 2016 được công bố tại Hội thảo chỉ ra rằng, tại hầu hết các quốc gia, một số nhóm người gồm: phụ nữ và trẻ em gái, người dân nông thôn, người bản địa, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư và tị nạn, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính, đang phải đối mặt với những rào cản mang tính hệ thống, không đơn thuần về mặt kinh tế, mà cả mặt chính trị, xã hội và văn hóa.

Các nhóm yếu thế này thường có ít cơ hội tác động đến các thể chế và chính sách quyết định cuộc đời họ. Thay đổi thực trạng này chính là trọng tâm để có thể xóa bỏ vòng luẩn quẩn của tình trạng bị gạt ra ngoài lề và nghèo túng.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững dựa trên những thành tựu này; đưa ra các khuyến nghị để tái định hướng chính sách nhằm đảm bảo tiến bộ phát triển đến được với những nhóm tụt hậu nhất, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách các thị trường và thể chế toàn cầu theo hướng công bằng và tiêu biểu hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng nêu một số gợi ý về chính sách trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển các dân tộc thiểu số như: Luật hóa vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật quốc gia làm cơ sở thể chế hóa thành hệ thống chính sách; đổi mới cách tiếp cận và xây dựng chính sách cho vùng và dân tộc thiểu số đảm bảo yêu cầu khoa học và hiệu quả; thí điểm cơ chế Trung ương chỉ ban hành chính sách khung gắn với mục tiêu cụ thể cần đạt được và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện chính sách để phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và phù hợp, hiệu quả của các chính sách...

Khánh Lan

837 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 414
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 415
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88176479