Sáng 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để làm rõ các nguyên nhân, đề ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đ.T)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Theo đó, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.
Chậm giải ngân gây ra nhiều hệ lụy
Cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Chúng ta còn một khối lượng lớn vốn ở các cấp, các ngành, các địa phương. Thứ hai, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.
Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. Và quan trọng nhất, chính là đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sát đúng, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn khi còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2019, cũng như rút kinh nghiệm năm nay để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Đ.T)
Thủ tướng nhấn mạnh, quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Cụ thể, về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2019, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán. Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết.
Trong năm 2019, trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kết quả rà soát các dự án đảm bảo đủ, đúng thủ tục đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Trong đó, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) còn lại chưa giao là 4.265,681 tỷ đồng, đây là số vốn đã được giao dự toán nhưng do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và một số địa phương không phân bổ hết được cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục, do tính toán lại khả năng giải ngân đạt thấp và đề nghị giảm kế hoạch.
Vốn Ngân sách Trung ương (NSTW) trong nước còn lại chưa giao là 15.071,901 tỷ đồng, mặc dù đã được giao dự toán nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện danh mục dự án đủ thủ tục, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, trong đó lớn nhất là 7.040 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng được Chính phủ cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đến 31/10/2019; 2.860 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do đề xuất chưa phù hợp với đối tượng đầu tư công theo quy định của pháp luật; 1.952,859 tỷ đồng của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.
Vốn nước ngoài (ODA) còn lại chưa giao là 14.346,292 tỷ đồng, bên cạnh việc các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định, đáng chú ý số vốn do 3 Bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn (8.517,909 tỷ đồng); số vốn dự kiến thu hồi là 10.078,626 tỷ đồng, trong trường hợp một số dự án ODA quy mô lớn kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (như các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), có thể báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển số vốn dự kiến thu hồi này cho các dự án đó.
Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Đ.T)
Tóm lại, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm, giao sai, giao vượt tổng mức đầu tư, giao khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép... làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và từ các bộ, ngành, địa phương cho các ban quản lý dự án, đơn vị thực hiện là cần thiết.
Về khách quan, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật, trong khi đó danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hằng năm.
Mặc dù vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm vốn đầu tư công tại 25 công trình, dự án thuộc Bộ quản lý có những lý do như: thủ tục đấu thầu quốc tế phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng chậm... Theo Bộ trưởng, đặc thù của ngành giao thông là thời gian đầu năm sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng, đến khoảng tháng 8-9 mới bắt đầu khởi công. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng năm nay, Bộ vẫn có thể giải ngân được tối thiểu 95% (mặc dù những năm trước tỷ lệ này thường ở mức 80-85%).
Một số địa phương thừa nhận khuyết điểm để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ về mặt thể chế để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án.
Hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Chính phủ tập trung đôn đốc triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như đường bộ, sân bay, nhất là tình trạng quá tải tại các sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ “căn bệnh” chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công trước hết do bất cập từ công tác giao vốn, chưa dựa trên kế hoạch sử dụng vốn của từng dự án. Phó Thủ tướng dẫn chứng như công tác lập, thẩm định, dự toán xây dựng công trình, lựa chọn nhà đầu tư cũng cần vốn nhưng không nhiều mà vốn chủ yếu cần tập trung vào giai đoạn thi công xây lắp. Bên cạnh đó, việc đề xuất nhu cầu vốn đầu tư chưa sát với khả năng giải ngân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ rõ có tình trạng đùn đẩy, né tránh trong triển khai các dự án đầu tư công, do đó, chưa khai thác được nguồn lực lớn của đất nước. Để nâng cao năng lực hấp thụ của nền kinh tế về vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, trình Thủ tướng cắt giảm vốn tại những nơi quá chậm trễ trong giải ngân hoặc không giải ngân được; sớm triển khai phương án phân bổ vốn của năm 2020 để trình Quốc hội quyết định.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Thủ tướng bày tỏ hy vọng, từ Hội nghị này sẽ có một nghị quyết tốt của Chính phủ để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước.
Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, Thủ tướng cũng chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vì có nhiều quy định chồng chéo. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án.
Nhấn mạnh giải ngân thấp là "căn bệnh trầm kha" cần tiếp tục tháo gỡ, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này. Cùng với đó là tình trạng không sát sao chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền, bệnh nhũng nhiễu, gây khó ở một số cấp, một số ngành, một số cơ quan.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không.
Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị đã thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo là tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Vốn thiếu và ít nên phải được giải ngân hiệu quả, kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo này. Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, tình trạng làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.
Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.
Đối với những bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói và nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỷ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay “các đồng chí vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm. Hay dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", đổ lỗi cho nhau như vừa qua, vì lợi ích của bộ, ngành, địa phương mình mà không hợp tác.
Thủ tướng lưu ý hợp tác tốt hơn nữa giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Thủ tướng tin rằng các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngồi lại với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, tất cả vì lợi ích chung thì nhất định có phương án tốt, đồng thuận cao, hiệu quả để trình Thủ tướng Chính phủ, không để tình rạng “công không ra công, tư không ra tư” kéo dài như một số công trình vừa qua.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5/10/2019. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10/2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
“Tôi được biết các bộ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với số tiền lên đến 60.000-70.000 tỷ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh”, Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh tinh thần “tiêu không hết là điều chỉnh vốn”.
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ ngành, lĩnh vực, chương trình theo đề xuất của bộ, ngành và địa phương phải được thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất.
Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc./.
Lê Anh