THÚC ĐẨY NHANH CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH 

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Đề án lên Thủ tướng trong năm 2019. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng do thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 và đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch[1]. Để khôi phục và phát triển ngành du lịch, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn[2]. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch và một số địa phương cũng đã từng bước đưa công nghệ số vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… Nhiều công ty du lịch hoạt động như: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh[3], Bà Rịa Vũng Tàu[4]… và nhiều di tích, làng nghề như: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng công nghệ số để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch hiện đang kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số[5]. Thời gian đây, ngành Du lịch Việt Nam đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Đây là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc tìm các điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ứng dụng cũng được coi là một trong những hoạt động chuyển đổi số thiết thực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Để góp phần khôi phục và phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh, trong đó nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa sau tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp du lịch trong nước đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Hằng Nga

 

[1] Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Covid-19 có thể làm giảm 01 tỷ khách du lịch quốc tế, tổn thất lên tới 1.000 tỷ USD. Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, khách quốc tế giảm ít nhất 70%, khách nội địa giảm 50%, doanh thu giảm trên 60% so với 2019, thiệt hại ước tính lên tới 23 tỷ USD.

[2] Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ tạo ra 305 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2025 và tạo ra lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách.

[3] Số hóa đường hoa Nguyễn Huệ tại thành phố Hồ Chí Minh dịp Tết Tân Sửu 2021. Các hạng mục được triển khai gồm: Dựng bản đồ 2D và quét 3D Đường hoa bằng máy bay không người lái (drone); Livestream 360˚; Livestream toàn cảnh; Video 360˚ và VR Tour trải nghiệm Đường hoa; Video timelapse toàn cảnh diễn biến xây dựng đường hoa. Dự án số hóa đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 giúp người dân thưởng ngoạn đường hoa từ xa, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tạo diện mạo mới cho ngành du lịch Thành phố.

[4] Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai ứng dụng mã quét QR để tra cứu thông tin về điểm đến một cách dễ dàng. Theo đó, chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối wifi hoặc 3G, 4G quét mã QR, du khách sẽ có đầy đủ các thông tin chính thống về 48 điểm đến, khu di tích, danh thắng trên địa bàn để tự do tham quan, vui chơi…

[5] Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch Việt Nam; ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nâng cao trải nghiệm của khách du lịch; nâng cấp các kênh truyền thông trên nền tảng số của Tổng cục Du lịch; xây dựng phần mềm (app) sử dụng phục vụ tổ chức hội nghị trực tuyến;…

782 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 489
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 489
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76720209