|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không Vietjet phát biểu tại diễn đàn. |
Chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đồng chủ trì phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và Triển vọng năm 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.
Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không Vietjet thì cho rằng, mỗi năm kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, với trên 750.000 doanh nghiệp đóng góp 43% GDP,… Đối với ngành hàng không, bà Thảo nhận định, sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh sức sống của nền kinh tế Việt Nam khi có thống kê rằng cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,5% tăng trưởng GDP. Điều này cũng đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua còn GDP đạt trên dưới 7%.
“Năm 2018, Vietjet đã mở thêm các đường bay quốc tế tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Hong Kong, Trung Quốc thu hút nhiều du khách tới Việt Nam qua những chuyến bay được cộng đồng hàng không quốc tế đánh giá chất lượng cao. Với tổng doanh thu đạt 52.135 tỷ đồng, hãng hàng không này tiếp tục nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 47,5% so với năm 2017”, bà Thảo cho biết.
Theo bà Thảo, Vietjet đã thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay mà không làm tăng nợ quốc gia, thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay. Học viện hàng không của doanh nghiệp có đầu tư thiết bị buồng lái mô phỏng, đào tạo phi công cấp quốc tế và khu vực cũng đã được khai trương tháng 11/2018 vừa qua.
Nhận định rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ hành động với những động thái cởi mở về cơ chế, thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển với hàng loạt các hoạt động. Tuy nhiên, thời gian tới cần đẩy nhanh hơn tốc độ cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đề xuất nhà nước cần có cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn xã hội.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DNNN và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.
Từ năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là nền giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tăng chi cho khoa học và công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển./.
Phan Trang