Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh:M.P)
Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện sẽ giúp tạo ra thị trường tài chính rộng mở, dòng tiền được luân chuyển rộng rãi đến mọi thành phần kinh tế, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo xoáy dần những khác biệt về thu nhập.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Hơn nữa, tiếp cận tài chính rộng rãi sẽ giúp các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn, giúp các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro.
“Vì thế, với 70% dân số sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ nghèo còn tương đối cao, cho thấy rằng vẫn còn khoảng trống dành cho phát triển tài chính chính thức trong dân cư, đặc biệt tại khu vực nông thôn ở nước ta”,TS Bùi Tín Nghị nhận định.
Nhận thức được vấn đề này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện.
Tại hội thảo Bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho hay, các cơ quan quản lý, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chương trình hành động như: Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô; đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình vùng khó khăn…
Tuy nhiên, thực trạng của tài chính toàn diện vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu biểu như hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đặt lên “vai” của hệ thống ngân hàng; thị trường vốn chưa phát triển song đang lớn mạnh; cơ sở hạ tầng đã cải thiện nhưng vẫn dưới mức phát triển; người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt…
Bà Lan cho rằng, mục tiêu về tài chính toàn diện mà các cơ quan quản lý cần thực hiện là phải đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản tuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung ứng bởi các tổ chức tài chính chính thức…
Đồng quan điểm đó, ông Vũ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính (NHNN) cho rằng, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy phổ cập tài chính đồng thời với việc thúc đẩy an toàn, ổn định tài chính. Để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, với vai trò dẫn dắt của Chính phủ, đảm bảo môi trường pháp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Các văn bản pháp lý khi được xây dựng cần bám sát tiêu chí mà việc phổ cập tài chính mang lại, thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn, yên tâm cho người dân, doanh nghiệp sử dụng”, ông Hùng đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, mức lãi suất mà các tổ chức tài chính cung cấp không cần phải ở mức thấp nhất. Theo kinh nghiệp quốc tế, các tổ chức tài chính nên bỏ cơ chế “bao cấp”, mức lãi suất nên ở mức độ mang tính cạnh tranh cao, để tạo sự bền vững trong hoạt động của các tổ chức tài chính”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ về các phương pháp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, như ứng dụng tài chính số, tài chính vi mô… dựa trên sự nghiên cứu từ các mô hình tiếp cận tài chính trên thế giới. Điều này hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay./.
Minh Phương