|
Hình ảnh tại buổi tọa đàm (Ảnh: K.D) |
Nhằm tạo cơ hội trao đổi giữa các doanh nghiệp, tiến tới hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững, chiều 7/10, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Tọa đàm “Chính sách ngành linh kiện, phụ tùng điện thoại di động”.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây, số lượng dự án, vốn đăng ký và vốn thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc vào Việt Nam đều tăng ổn định qua các năm. Lũy kế đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2019, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,92 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 8.900 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động và đóng góp khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước nhằm tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như đối tác đầu tư. Đáng chú ý, tại các sự kiện xúc tiến thương mại - đầu tư được tổ chức tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc đầu tư vào Việt Nam và thể hiện mong muốn được đến Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn về thị trường cũng như tiềm năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nắm bắt nhu cầu đó và nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đồng thời nhằm thúc đẩy thương mại song phương giữa hai quốc gia, Cục Xúc tiến Thương mại và KOTRA đã thành lập ban KOREA DESK theo nội dung trong Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai tổ chức.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, trong khuôn khổ hoạt động của KOREA DESK, tọa đàm “Chính sách ngành linh kiện, phụ tùng điện thoại di động” đã được diễn ra, tạo cơ hội trao đổi giữa các cơ quan liên quan tại Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng điện thoại trong ngành, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành linh kiện điện thoại.
Đặc biệt, tọa đàm cũng góp phần hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong lĩnh vực sản xuất điện thoại của Việt Nam với sự tham gia và hợp tác hiệu quả lâu dài của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Đại diện phía KOREA DESK cũng khẳng định, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa. Điều đó được thể hiện trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 với việc hai bên dành cho nhau nhiều ưu đãi trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tạo động lực tăng trưởng hợp tác thương mại, đầu tư cả về lượng và về chất trong thời gian qua.
Điển hình câu chuyện thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam và liên quan đến chủ đề tọa đàm ngày hôm nay là câu chuyện về Samsung Việt Nam. Sau 12 năm kể từ khi Samsung nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, đến nay vốn đầu tư của hãng công nghệ Hàn Quốc đã tăng lên 26 lần với tổng vốn công bố 17,3 tỷ USD và doanh số xuất khẩu chiếm tỷ trọng trung bình 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
Do vậy, thông qua tọa đàm này, các đại biểu kỳ vọng đây là một trong những kênh đối thoại chuyên ngành hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc có định hướng và kế hoạch đầu tư lâu dài tại Việt Nam, tạo kênh trao đổi và kết nối hợp tác đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc. Từ đó hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững trong lĩnh vực điện thoại, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới./.