|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, đồng thời, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tính chung cả nước, năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Cá biệt có một số chủng loại máy có tốc độ tăng trưởng rất nhanh như: máy chế biến thức ăn gia súc (tăng 90,6%); máy chế biến thức ăn thủy sản (tăng 2,2 lần) và máy phun thuốc trừ sâu (tăng 3,1 lần). Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.
Trên lĩnh vực trồng trọt, ở khâu làm đất bằng máy tăng từ 75% năm 2008 lên 95% năm 2019. Trong đó, vùng sản xuất lúa tập trung có mức độ cơ giới hóa cao. Năm 2019, cơ giới hóa làm đất lúa cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng đạt gần 100%, trung du miền núi phía Bắc đạt 70%. Với khâu gieo xạ và cấy lúa, mặc dù mới được ứng dụng nhưng đã có tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2008 tỷ lệ gieo xạ và cấy lúa bằng máy mới đạt 5% thì đến năm 2019 tỷ lệ này đã đạt 45%.
Lĩnh vực chăn nuôi ghi nhận mức độ cơ giới hóa cao ở các chuồng trại chăn nuôi gà, đạt trên 90% ở các khâu từ cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng. Xử lý môi trường chăn nuôi bình quân đạt 55%. Hộ nuôi lợn quy mô trang trại, công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động đạt 72%. Đối với hộ chăn nuôi trâu, bò, việc đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 60%. Hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt 75%.
Đáng chú ý, qua hơn 5 năm tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định số 68/2013-QĐ-TTg) đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân cả nước.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, tuy mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu đạt cao nhưng chưa toàn diện. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê. Trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy. Máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của Nhật Bản; Hàn Quốc; máy phun thuốc, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Nhật Bản. Đồng thời, chưa chủ động được công nghệ và thiết bị trong lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà kính phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Xác định cơ giới hóa nông nghiệp là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu mức độ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt từ 5-6 HP/ha. Các ngành hàng nông sản chủ lực được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.
Để triển khai mục tiêu trên, các giải pháp được Bộ đề ra gồm: Xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng để lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây, con cụ thể. Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tập trung đất đai xây dựng cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Quy hoạch, cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn.
Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa.
Đáng chú ý là xây dựng các cánh đồng cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh các loại cây trồng chính (lúa, mía, ngô, lạc, sắn, rau màu...) ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hoá. Đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất. Tạo mối liên kết hữu cơ giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi kết thúc đề tài xây dựng sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sáng chế được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.