THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH  

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, nhất là công nghệ số, đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển đi tắt, đón đầu.

Đất nước ta sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, quy mô, trình độ khoa học công nghệ của nền kinh tế tăng lên, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp theo chuẩn mực quốc tế; chúng ta đã từng bước tận dụng, nắm bắt được cơ hội của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để phát triển nhanh, bền vững. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025; Nghị Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết và quyết tâm cao trong việc thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan, đơn vị. Kinh tế số đang từng bước được ứng dụng trong các ngành sản xuất và dịch vụ; nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet được triển khai, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn. Tuy bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế và còn thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; các dịch vụ đô thị thông minh chưa nhiều; ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của đảng và hệ thống chính trị, doanh nghiệp còn hạn chế. Quy mô kinh tế số còn nhỏ; việc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp, số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều. Vì vậy, đối với tỉnh ta, chuyển đổi số vẫn là vấn đề mới, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một trong những chương trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện có kết quả các chủ trương này, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thống nhất ban hành một Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 02-NQ/TU) về chuyển đổi số cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Tối thiểu 60% các sở, ban, ngành cấp tỉnh có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh.  Kinh tế số chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); Từng bước ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng. Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 35%.

Để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã xác định các nhiệm vu, giải pháp cần tập trung thực hiện là:

Thứ nhất, phải kiến tạo thể chế và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến rộng rãi hơn về nội hàm của chuyển đổi số cũng như lợi ích đối với đời sống kinh tế - xã hội và được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân do chuyển đổi số mang lại. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Mở rộng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong giám sát, góp ý và sử dụng các dịch vụ, tiện ích chuyển đổi số. Xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, gắn với khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Có chính sách và bố trí nguồn lực hợp lý để phát triển hạ tầng, nền tảng số, đảm bảo an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Thứ hai, tập trung xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của tỉnh trên các phương tiện truyền thông một cách đầy đủ, thuận tiện, để người dân và doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ công trực tuyến. Triển khai các ứng dụng số nhằm gia tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh; ưu tiên thực hiện trên các các lĩnh vực: thương mại điện tử, logistic, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, năng lượng, tài chính ngân hàng, du lịch… để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đối với việc hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, cần thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính trong hoạt động thương mại điện tử và logistics. Tập trung tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử đa dạng; kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế, hạn chế rủi ro về thiên tai, dịch bệnh . Trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, xây dựng hệ thống giao thông thông minh hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng. Phát triển, chuyển đổi các hạ tầng logistics trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện trên nền tảng số; cho phép đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện trên nền tảng số. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chú trọng xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, nền địa lý quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, viễn thám, biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn, địa chất - khoáng sản… Xây dựng bản đồ số và ứng dụng thông minh quản lý, giám sát hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, xả thải, nguồn xả thải, bản đồ dự đoán khu vực ngập lụt; triển khai hệ thống quản lý, hỗ trợ thu gom rác thải, các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên hai mục tiêu là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác năng lượng tái tạo, phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất, truyền tải, phân phối năng lượng thực hiện công tác chuyển đổi số theo ngành dọc để trở thành các doanh nghiệp thông minh trong quá trình quản trị doanh nghiệp. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tập trung triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số theo hướng dẫn của ngành dọc Trung ương. Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong lĩnh vực du lịch, triển khai số hóa các khu di tích lịch sử, văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh... để quảng bá hình ảnh Quảng Trị. Hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu về các điểm đến, các tuor tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển xã hội số, tăng khả năng kết nối của người dân đối với xã hội số; tập trung chuyển đổi kỹ năng, thông qua nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân. Tập trung ưu tiên trong lĩnh vực y tế, văn hóa và giáo dục – đào tạo. Đối với lĩnh vực y tế, tập trung đầu tư số hóa hệ thống y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; thực hiện thanh toán viện phí điện tử, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Đối với lĩnh vực văn hóa, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lễ hội Quảng Trị với các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa và lễ hội tôn giáo. Thực hiện số hóa dữ liệu các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể; bảo tàng và thư viện; triển khai kết nối di sản văn hóa tỉnh với di sản văn hóa quốc gia và thế giới. Xây dựng hình ảnh, văn hóa con người Quảng Trị thân thiện, văn minh, hiếu khách. Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới phương thức quản lý; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện); kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới.

Chủ trương để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số đã có. Vấn đề quyết định còn lại ở khâu nhận thức, hành động của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong triển khai thực hiện đối với chuyển đổi số phải đồng nhất, quyết liệt, đúng như tinh thần chỉ đạo và mong muốn của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6; yêu cầu đó càng có ý nghĩa hơn trong tình hình dịch bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bởi vì chuyển đổi số đã không còn lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc của chính quyền, doanh nghiệp và người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới./. Thanh Lan

860 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 644
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 644
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76733349