Hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa cho hoa màu trên vùng đất cát tại Ninh Phước, Ninh Thuận.
(Ảnh: TTXVN)
Khai thác tiềm năng từ những vùng đất “khó”
Thực tiễn những năm qua cho thấy, bên cạnh các công nghệ, biện pháp thực hành nông nghiệp thì việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã đóng góp hữu hiệu vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.
Cụ thể, ở những vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu (Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), tưới tiết kiệm nước ngày càng được người dân quan tâm, áp dụng rộng rãi với tỷ lệ ứng dụng tăng rõ rệt. Đặc biệt sau năm 2016, tăng từ 37% - 236% với tỷ lệ tăng cao nhất diễn ra ở các vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán và xâm nhập mặn (Tây Nguyên tăng 236%; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 115%). Thực tế này cho thấy, tưới tiết kiệm nước đã và đang chứng tỏ là một giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, tưới tiên tiến tiết kiệm nước còn tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất dốc, đất cát, hoang hóa. Tưới tiết kiệm nước gắn với sử dụng hệ thống đường ống dẫn áp lực đã và đang đem đến sự đổi mới trong tư duy, cách làm thủy lợi ngay trên những vùng có tiềm năng về diện tích nhưng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp thông thường và khó khăn cho phát triển thủy lợi theo cách truyền thống.
Đã có những mô hình tưới tiết kiệm nước ở những vùng này mang lại hiệu quả. Điển hình như hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả trên đất dốc ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ; mô hình tưới tiết kiệm nước cho 300 ha chuối trên đất đồi huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; mô hình tưới cho trên 50 ha rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa ven biển huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau quy mô hộ gia đình trên vùng đất cát huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cùng với các giải pháp công nghệ về giống, phân bón, tự động hóa đã được ứng dụng hiệu quả cao, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo, phát triển nông thôn mới. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được một số địa phương xác định là một trong các tiêu chí cho mô hình vườn kiểu mẫu.
Chi phí đầu tư còn khá lớn
Dù mang lại hiệu quả cho cây trồng nhưng tính đến cuối năm 2017, cả nước mới chỉ có trên 276.000 ha diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. So với diện tích cây trồng cả nước, con số được áp dụng còn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5%. Riêng tại tỉnh Bắc Ninh, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Công Hưởng, địa phương rất quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Tuy nhiên, diện tích được áp dụng tưới theo mô hình này trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000 ha, so với diện tích tưới của tỉnh chiếm khoảng 3%. Nhìn chung, diện tích được áp dụng tưới còn rất ít so với yêu cầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích áp dụng tưới tiên tiến còn ít do chi phí đầu tư cho công trình còn khá lớn.Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã triển khai áp dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho khoảng 1.000 ha cây thanh long; ngoài ra các cây trồng khác triển khai tưới tiết kiệm nước khoảng 7.00 0ha. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam, ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước vẫn gặp khó khi việc tiếp cận nguồn vốn của người nông dân vẫn còn hạn chế. Đồng thời, chỉ có những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao mới triển khai mô hình này vì đầu tư cho hệ thống tốn khá nhiều chi phí.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá thành công nghệ, thiết bị tưới còn cao so với thu nhập của phần lớn người dân trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất. Sản phẩm công nghệ, thiết bị tưới tiết kiệm nước tích hợp, nội địa hóa với giá thành thấp rất ít; công nghệ, giải pháp kỹ thuật tạo nguồn (thu trữ nước tại chỗ phân tán, bơm cột nước cao,…) phục vụ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn với tính khả thi cao để áp dụng rộng rãi trong thực tiễn phát triển còn chậm.
Mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước
Để tiếp cận hiệu quả mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng, cần đồng bộ được khu vực dự kiến canh tác, loại cây trồng cùng với đánh giá được nhu cầu tưới, thời điểm tưới, cách thức tưới,…để tiến hành triển khai mô hình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho rằng, để áp dụng mô hình rộng rãi, rất cần nâng cao nhận thức của người sử dụng. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy được hiệu quả của tưới tiết kiệm nước; đồng thời tích cực ban hành cơ chế, chính sách để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào công trình này.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Văn Nam, cần đẩy mạnh đầu ra sản phẩm gắn với chuỗi sản phẩm để người dân có thu nhập ổn định, qua đó nhằm đưa công trình ứng dụng mang lại lợi ích thực tế cho người dân.
Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, cần tổng kết đánh giá thực tiễn phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn để phổ biến, nhân rộng các mô hình hiệu quả, rút ra các bài học kinh nghiệm triển khai của các tỉnh điển hình. Song song với đó, hoàn thiện bộ quy trình công nghệ, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức áp dụng tưới tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực nhằm tạo điều kiện để hầu hết các cây trồng chủ lực (cà phê, chè, hồ tiêu, điều, cao su, mía,…) có quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ nông sản giá trị cao; kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước để ứng phó với thiên tai hạn hán ở những vùng thường xuyên thiếu nước. Kết nối mở rộng và đa dạng thị trường thiết bị tưới, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của sản xuất./.
BT