Theo báo cáo, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt trên 700 triệu USD, trong đó tính đến ngày 24/4, giá trị giải ngân ước đạt 410 triệu USD. Đặc biệt, năm 2017 là năm cuối cùng Việt Nam nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc WB, WB cam kết tài trợ cho Việt Nam 14 chương trình, dự án trị giá 2,1 tỷ USD. Từ sau ngày 1/7/2017, Việt Nam sẽ chỉ tiếp cận được nguồn vốn kém ưu đãi hơn. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân giữa các cơ quan chủ quản không đồng đều trong khi một số dự án không được gia hạn thời gian giải ngân thì sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, cân đối tổng thể nguồn vốn đầu tư giữa các bộ, ngành và địa phương trên cả nước, làm hạn chế tính linh hoạt trong việc điều chuyển vốn vay từ những dự án giải ngân chậm sang những dự án giải ngân nhanh.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn vốn vay ưu đãi còn lại của WB năm tài khóa 2017 trong bối cảnh huy động vốn cho đầu tư phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay năm nay sẽ được đầu tư cho các dự án cấp bách về phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung…
Tinh thần của Chính phủ là kiên quyết điều chuyển nguồn vốn vay từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi này. Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chủ quản khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn tất quá trình chuẩn bị dự án còn lại trước ngày 10/3 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm việc đàm phán với WB diễn ra đúng tiến độ.
Mạnh Hùng