Xác định đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái là chìa khóa, là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đã đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền nội dung Bình đẳng giới trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ Hội, nhóm phụ nữ tiết kiệm - Tín dụng,tổ chức đối thoại chính sách về thực hiện Bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách, tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật về bình đẳng giới, trợ giúp pháp lý...đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động về Bình đẳng giới; tạo niềm tin tưởng, phấn khởi trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân về sự công bằng, bình đẳng.
Thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội vận động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Các cấp Hội hỗ trợ 440 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp; xây dựng hơn 200 mô hình kinh tế giỏi, hơn 250 tổ hợp tác, tổ liên kết nhằm kết nối các nguồn lực, tạo điều kiện cho chị em hỗ trợ lẫn nhau để sản xuất, kinh doanh. Trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng, Hội LHPN các cấp đã ký kết với NHNo&PTN, nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, tranh thủ các chương trình dự án, Tổ tiết kiệm - Tín dụng. Tổng các nguồn vốn vay dư nợ do Hội quản lý đến nay 1435,6 tỷ đồng cho 77.890 người vay.Các cấp Hội hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng nhiều hoạt động: Mô hình dây chuyền con giống, ngân hàng con giống đã cấp phát hàng trăm con bò, lợn giống, hàng vạn con gà giống và giống rau các loại…cho hội viên, phụ nữ nghèo. Trong 5 năm (2016-2020), Hội đã nhận giúp đỡ17.782lượt hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, đã có 3.933 lượt hộ thoát nghèo; trao tặng 238 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ chủ họ nghèo trị giá 6,7 tỷ đồng.
Để đảm bảo bình đẳng giới trong phát triển văn hóa, xã hội, Hội đẩy mạnh việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” từ tỉnh đến cơ sở, duy trì sinh hoạt nhóm nhỏ, CLB “Bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”,mô hình “Tiết kiệm tặng thẻ bảo hiểm cho hội viên, phụ nữ khó khăn”…Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa chính trị sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia như: Míttinh, gặp mặt, toạ đàm ôn truyền thống, hái hoa dân chủ, hội thi “Nữ công gia chánh”, “Phụ nữ tài năng”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Nét đẹp phụ nữ Quảng Trị”, “Hát ru”, “Tìm hiểu về luật phòng chống BLGĐ”, giao lưu với phụ nữ bản Đensavan - Lào; giao hữu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông,…Các hoạt động đã nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ, giúp hội viên phụ nữ tự khẳng định mình trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được chú trọng. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, các sở, ngành, địa phương tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi nhằm kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em để từng bước giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ. Cùng với đó, Hội phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao khảo sát thực trạng bạo lực gia đình tại 23 xã thuộc huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrông và Thị xã Quảng Trị đại diện cho các vùng miền núi, trung du, vùng biển và đồng bằng, từ đó xác định các giải pháp thúc đẩy phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); tổ chức Hội thi “Tìm hiểu luật phòng, chống bạo lực gia đình” ở các cấp; diễn đàn giao lưu “Vì một cộng đồng không bạo lực”, tổ chức triển lãm bộ sản phẩm truyền thông “Chốn bình yên” tại diễn đàn – giao lưu “Vì một cộng đồng không bạo lực gia đình”, trưng bày bộ sản phẩm “Nước mắt cười”, hội thảo “Phòng, chống mua bán người” và Lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người tuyến biên giới Việt Nam – Lào…Hội LHPN tỉnh phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ người lao động di cư tại tỉnh Quảng Trị và Nghệ An; xây dựng “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh” tại thư viện phụ nữ xã…đã góp phần hỗ trợ, tư vấn giúp các nạn nhân bị bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực cán bộ nữ” Nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ, hàng năm Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, có kế hoạch bồi dưỡng về trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học cho cán bộ nữ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, tăng tỷ lệ nữ tham gia ban lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở các cấp. Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng: Cấp tỉnh 11,32%; cấp huyện 16,34; cấp xã 17,74%. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV là 2 / 6 đại biểu, đạt tỷ lệ 33,3 %; Đại biểu HĐND cấp xã 696/3389 đạt tỷ lệ 20,54%, Đại biểu HĐND cấp huyện 83/297 đại biểu, đạt tỷ lệ 27,94% ; đại biểu HĐND cấp tỉnh 13/50, đạt tỷ lệ 26%; tỷ lệ nữ lãnh đạo UBND cấp tỉnh 13,25 %, nữ lãnh đạo UBND cấp huyện 11,9 %. Từ việc cán bộ nữ được tham gia Cấp ủy, Đoàn Đại biểu Quốc Hội, HĐND, giữ chức vụ trưởng phó các ban ngành, đoàn thể đã đại diện cho các tầng lớp phụ nữ nói lên được tiếng nói của mình, là cầu nối mang tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chị em đến với cấp ủy, chính quyền. Nhiều Đề án, Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh đề ra nhằm bảo bình đằng giới như: Chương trình hành động số 43-CTHĐ/TU, ngày 16/10/2007 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Đề án 236/ĐA-UB về “Một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng thu hút và sử dụng cán bộ” trong đó có các chính sách thực hiện đào tạo, thu hút sử dụng cán bộ nữ ; Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015; Việc thực hiện Nghị định 56/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ “Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước” trong các cấp Hội được triển khai một cách nghiêm túc, đặc biệt là ở cấp tỉnh và huyện. Trong quá trình tham gia các Ban, Hội đồng, Ban chỉ đạo, cán bộ Hội các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, có những đề xuất kịp thời giúp chính quyền giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Một số chính sách đối với phụ nữ do Hội đề xuất đã được phê duyệt và thực hiện, trong đó có chính sách về đào tạo cán bộ nữ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cấp huyện và cơ sở…
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các cấp, ngành tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ theo quy định; thúc đẩy vai trò phụ nữ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phương Thiện