Cụ thể, nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu quả, UBND tỉnh ban hành Công văn 3976/UBND-TN hướng dẫn thực hiện xử lý một số hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên địa bàn.


Người dân gửi hình ảnh phản ánh tình trạng xả rác bừa bãi trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp kết nối khu đô thị An Cựu City với khu đô thị An Vân Dương, thành phố Huế đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Minh Hạnh).

Qua thời gian thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng rác thải trên đường phố, công viên, rải vàng mã ở nơi công cộng, xả rác xuống các dòng sông, kênh rạch, ao hồ. Vì vậy, cùng với quá trình tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của cộng đồng cũng phải đồng thời triển khai các chế tài xử lý vi phạm.

Theo đó, phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 1-3 triệu đồng.

Áp dụng mức phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Đặc biệt, văn bản do Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định ký nhấn mạnh hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ nhận mức phạt 5-7 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi chôn lấp, đổ, thải, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp trái với quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; xem xét tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính - tính theo khối lượng đổ thải và mức độ nguy hại của chất thải.

"Mức xử phạt đối với một số hành vi cao, song đó là biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường. Trước khi ban hành, tỉnh sẽ tuyên truyền đến với người dân", ông Định nhấn mạnh.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen, ghi nhận phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” đã huy động được sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng phong trào này, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được nhiều bạn trẻ, người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sôi nổi, rộng khắp, góp phần làm cho Huế đẹp hơn, thơ mộng hơn trong một không gian xanh - sạch - sáng.

“Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động mạnh mẽ để thúc đẩy thực hiện phong trào này trên toàn tỉnh, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường”, Thủ tướng viết.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kiên trì, hành động quyết liệt để đưa phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, đồng thời tin tưởng rằng, những mô hình hay, sáng tạo như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”… sẽ được nhân rộng tới các địa phương khác, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân./.

Anh Tuấn