Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra Trung tâm Điều hành giám sát đô thị thông minh tỉnh.

Trung tâm Điều hành giám sát đô thị thông minh (ĐTTM) là một trong những mô hình cần thiết và quan trọng trong Đề án phát triển đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Trung tâm đang trong giai đoạn vận hành thí điểm một số ứng dụng như: Giám sát, điều hành vi phạm giao thông, an ninh trật tự, trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy…

Cùng với đó, giám sát Trung tâm Hành chính công tỉnh trong việc cung cấp dịch vụ công; triển khai giải pháp hỏi-đáp và tiếp nhận phản ánh kiến nghị công dân; xây dựng trung tâm điều hành hạ tầng và xử lý sự cố trong cơ quan nhà nước tỉnh. Đồng thời, giám sát môi trường nước, không khí, phòng chống bão lụt; giám sát, điều hành đảm bảo an toàn thông tin mạng, giám sát tổng hợp thông tin báo chí về Thừa Thiên Huế...

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Trung tâm Điều hành giám sát ĐTTM là đầu não của dịch vụ ĐTTM, sẽ nhận thông tin từ tất cả các nguồn trên mạng, từ các thiết bị cảm biến, từ phản ánh của người dân để tổng hợp. Trung tâm này được xây dựng, áp dụng các giải pháp triển khai dịch vụ ĐTTM nhằm hỗ trợ triển khai 3 chức năng chính: Giám sát, điều hành, tổng hợp phục vụ phát triển ĐTTM.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử, việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, theo quy chuẩn thống nhất và tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần tham gia; đảm bảo sẵn sàng hạ tầng dùng chung trên cơ sở huy động nguồn lực có sẵn, đầu tư mới kết hợp với thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 325 tỷ đồng.

Đề án xây dựng ĐTTM tập trung vào 14 nhiệm vụ chính như: Xây dựng kiến trúc ICT ĐTTM; xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ ĐTTM; phát triển hạ tầng xã hội phát triển dịch vụ ĐTTM; chuyển đổi số, liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM; xây dựng các hệ sinh thái y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường thông minh; phát triển kinh tế số; xây dựng thẻ điện tử thông minh; xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển ĐTTM; phổ biến, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ ĐTTM...

Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quan điểm và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh là lấy người dân làm trung tâm, xây dựng chính quyền phục vụ; phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử. Xây dựng, phát triển dịch vụ ĐTTM về cơ bản phải đáp ứng được mục tiêu cốt lõi là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, sự hài lòng của người dân được nâng lên thông qua các ứng dụng công nghệ ICT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm như: giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, môi trường… Quản lý đô thị tinh gọn, các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

Để đứng được ở vị trí thứ nhất trong toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh là một sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, trong đó có sự đồng tình ủng hộ không nhỏ của người dân và doanh nghiệp. Đạt được danh hiệu đã khó nhưng giữ vững và phát triển được danh hiệu đó lại càng khó hơn, vì vậy trong thời gian sắp tới. tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tích cực triển khai đồng loạt và sâu rộng các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng "Xây dựng một chính quyền điện tử đúng nghĩa với các công chức điện tử, cơ quan điện tử, doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử".

Đồng chí Phan Ngọc Thọ cho biết thêm, tỉnh Thừa Thiên Huế đang từng bước tiến hành nhiều giải pháp như: Triển khai hệ thống chứng thực điện tử, mẫu hóa văn bản hành chính nhà nước, hệ thống xác thực tập trung và điểm đột phá là thẻ điện tử công chức. Hiện, tỉnh đang triển khai và tập trung vào 3 nhiệm vụ cụ thể là: Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và quy hoạch tích hợp các hệ thống thông tin trên nền tảng kết nối, chia sẻ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; nâng cao nhận thức người dân, tạo điều kiện cho người dân tương tác với hệ thống chính quyền, đưa chính quyền về sát với người dân./.

Bài, ảnh: Đắc Phương