Thừa nhận BOT “nóng”, Bộ trưởng Bộ GTVT hứa sẽ giải quyết ổn thoả 

(Chinhphu.vn) - Thừa nhận vấn đề các trạm BOT “chưa bao giờ nóng như vừa qua”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu sắp xếp, giải quyết không ổn thoả thì dư luận không tốt, việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.

 

BOT chưa bao giờ “nóng” như vừa qua

 

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tham mưu, đề xuất một số chủ trương, biện pháp và có thể nói đến thời điểm này, tình hình các trạm thu giá BOT đã tương đối ổn định.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tập trung giải quyết những vấn đề hiện đang tồn tại, liên quan đến trạm thu giá nào sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết.

Còn về lâu dài, hiện nay Bộ GTVT đang chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo. Bộ GTVT sẽ tập trung duy tu, sửa chữa để đường nào còn dùng được sẽ có hiệu quả tốt. Nếu quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc. 

Còn những dự án đang khai thác, Bộ GTVT tiếp tục có trách nhiệm xem xét để bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác. 

“Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ GTVT đang làm, chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa", Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến việc Bộ GTVT có đánh tráo khái niệm “trạm thu giá BOT” và “trạm thu phí BOT” dư luận đang xôn xao hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã lý giải: Việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT bởi hiện nay chúng ta xem BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên để doanh nghiệp tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước.

“Phí liên quan tới HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm. Vì vậy, việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn”, Bộ trưởng cho biết.

Mặt khác, về nguyên tắc sản phẩm đó của doanh nghiệp nhưng có điều tiết theo thị trường. Chính phủ, bộ, ngành họp và Quốc hội phải điều tiết để đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và hài hoà lợi ích người dân.

“Không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà doanh nghiệp ký hợp đồng với Bộ GTVT để Bộ giám sát điều này. Nếu doanh nghiệp muốn tăng giá, doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ GTVT. Bộ GTVT xem xét khi nào cảm thấy hài hoà hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh”, Bộ trưởng cho biết.

Thu giá không dừng để công khai, minh bạch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh thu giá không dừng bởi khi thu giá tự động thì mỗi doanh nghiệp có một trung tâm công nghệ. Khi đó người dân, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đều có thể giám sát được nguồn thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nguồn thu từ lúc đưa vào hoạt động cho đến khi kiểm tra.

“Hiện Bộ GTVT đang cố gắng thực hiện quyết định của Thủ tướng. Cuối năm nay chúng ta cố gắng vận hành thu giá tự động trên đường cao tốc, quốc lộ, nhất là QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đến năm 2019, thu giá tự động sẽ phủ kín toàn bộ trạm của các quốc lộ khác. Bảo đảm công khai, minh bạch, giúp vừa giám sát chi phí, vừa giúp cho việc các xe qua trạm thu giá một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng cho biết.

 

Theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng, đến cuối năm nay, tất cả các trạm thu giá BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải triển khai thu giá tự động không dừng (ETC). Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trên tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có tổng số 43 trạm thu giá, trong đó có 3 trạm không triển khai thu giá tự động không dừng do đang tạm dừng thu, sắp hết thời gian thu.

Trong số 40 trạm triển khai ETC, đã có 22 trạm vận hành thương mại, 4 trạm đang vận hành thử nghiệm, 3 trạm đang lắp đặt, 4 trạm chưa thu và 12 trạm sẽ vận hành trước 31/12/2018.

Các trạm thuộc những tuyến đường cửa ngõ thành phố trung tâm phần lớn nằm ngoài dự án 28 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh. Hiện mới có hai trạm là cầu Đồng Nai và Hà Nội - Bắc Giang lắp 2 làn ETC.

Phan Trang
339 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 446
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 446
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77994083