Về tình hình tháng 11 và 11 tháng qua, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành đã chủ động, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Cả hệ thống có sự chuyển động tốt, từng bước vận hành khá trơn tru trong xử lý các vấn đề đặt ra. Nhờ đó, kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực.
“Chúng ta có thể khẳng định nước ta sẽ hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu kế hoạch 2018 đề ra và phần lớn chỉ tiêu đạt mức cao hơn đã báo cáo Quốc hội, qua đó, tạo tiền đề thuận lợi vững chắc cho 2019”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải kiên định, tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành phải luôn tập trung cao độ, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, không né tránh, ngại va chạm, giải quyết, xử lý ngay các tồn tại, hạn chế, bất cập.
“Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước, xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên ở tất cả các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân. Phải đổi mới tư duy, xóa bỏ quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Chúng ta hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, làm giàu cho bản thân và đất nước.
Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2018, Thủ tướng đề nghị làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12 này. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, làm tốt nhiệm vụ tổng kết năm 2018 theo tinh thần tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, không phô trương, nêu rõ các tồn tại, bất cập, nguyên nhân, kinh nghiệm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2019.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng Nghị quyết 01 với tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, do đó, nội dung phải cụ thể, bám sát chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Quốc hội giao. Cho rằng các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao hơn, Thủ tướng lấy ví dụ, mục tiêu tăng trưởng 2019 phấn đấu đạt là 6,8%, tức là ở cận trên mức Quốc hội đã thông qua (từ 6,6 – 6,8%).
Điều quan trọng của Nghị quyết là các nhiệm vụ, biện pháp phải giải quyết được các bức xúc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 mà còn ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao mọi mặt đời sống xã hội. Bên cạnh chất lượng tăng trưởng, cần chú ý, xử lý các vấn đề bất cập của xã hội và có một số đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt hơn nữa, thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước.
“Tôi nhắc lại lần nữa rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để có một Nghị quyết tốt”, Thủ tướng nói.
Thứ 3, trong tháng 12, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường tăng mạnh dịp cuối năm và giáp Tết; đồng thời chú trọng lo Tết cho nhân dân. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức Tết.
Thủ tướng cũng lưu ý việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt là thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tổ điều hành giá và các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ phương án giá điện, giá dịch vụ y tế… với mức độ điều chỉnh và thời điểm phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá hối đoái, có chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt.
Bộ Công Thương phải có biện pháp bảo đảm đủ điện cho sản xuất, đời sống của người dân. Không để thiếu điện trong năm 2019.
Nhắc nhở có phương án phục vụ việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết, Thủ tướng cũng lưu ý chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ trọng tải xe. “Không chỉ quản lý phần ngọn mà quản lý phần gốc rất quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý giáo dục mầm non, tiểu học; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương tăng cường giám sát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em.
Đức Tuân