Chiều 8/11, sau khi báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND)


Theo thông báo, đã có 40 đại biểu đăng ký chất vấn người đứng đầu Chính phủ.

Dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu: Bổ sung ngay vào sơ đồ Quy hoạch điện 7

Liên quan đến dự án Nhà máy điện khí Bạc Liêu mà một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch thì cần phải đưa ngay bổ sung vào sơ đồ Quy hoạch điện 7. “Bộ Công Thương và tỉnh Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này. Các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ, để tình trạng như đại biểu Quốc hội chất vấn” - Thủ tướng lưu ý.

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề: Qua việc nhà máy nước sông Đà bị đầu độc có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, với vụ việc này, “cần làm ba việc”: Phải xử lý nghiêm lý nghiêm các vi phạm; cần xem xét lại, hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nói về vấn đề nước sạch, Thủ tướng  yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, hãy làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

Kinh tế ban đêm thể hiện sự năng động của nền kinh tế

Nói về các ngành kinh tế ban đêm, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, kinh tế ban đêm là một sự năng động kinh tế trong bối cảnh quốc tế, là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. “Khách du lịch Việt Nam đến năm nay ít nhất là 18 triệu, phần lớn trái múi giờ, mình thì đi ngủ, họ thì đi chơi, không có thời cơ để hiểu biết về văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở Việt Nam” – Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động nên mong các trung tâm kinh tế các thành phố lớn phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý, phải giải quyết vấn đề làm gì để du khách đến đông hơn, để du khách ở lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn, để họ kể về nhiều hơn những trải nghiệm ở Việt Nam, nhất là về ban đêm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, nên đề nghị chú trọng công tác quản lý, tránh tiêu cực xảy ra. Thủ tướng đánh giá, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế ban đêm theo hướng tốt hơn, tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt, tránh những mặt tiêu cực có thể phát sinh.

“Kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng và Việt Nam nên tận dụng thời cơ này”, Thủ tướng nói.

Tính toán lại GDP là điều cần thiết

Chất vất Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nêu vấn đề, vừa qua Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 và đã công bố kết quả quy mô GDP năm 2017 đạt 275 tỷ USD thay cho 220 tỷ USD đã công bố. Và nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 và năm 2019, quy mô GDP của năm 2019 đã đạt ngưỡng khoảng 310 tỷ USD thay cho 266,5 tỷ USD mà Chính phủ đã báo cáo.

Đại biểu muốn biết Thủ tướng có công nhận kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế này không, vì đây là cơ sở quan trọng để đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm chuẩn bị chuẩn bị trình Đại hội Đảng.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Thủ tướng cho biết, quy mô GDP mới sau tính lại tăng 25,5%, lên hơn 310 tỷ USD. Tuy nhiên, cách tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không phải bây giờ. "Không phải bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Các số liệu báo cáo trước Quốc hội hôm nay, trong văn kiện Đại hội Đảng vẫn là tính toán dựa trên số liệu cũ", Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót. Điển hình như 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính vào GDP, ngoài ra còn lượng lớn hộ kinh doanh cá thể…Trong khi các nước việc mua một con ốc vít, que tăm cũng có hóa đơn. Ở chúng ta, thậm chí mua xe máy cũng không có chứng từ, nên tính toán bỏ sót nhiều và thất thu thuế là rất lớn...

Thủ tướng khẳng định “tính toán lại GDP là điều cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường”./.

Kim Thanh