|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều nay (23/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 4 cuộc làm việc với tỉnh miền núi Đông Bắc này.
Nằm cách Hà Nội khoảng 165 km, Tuyên Quang có 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 54%, là tỉnh còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tuyên Quang đã cơ bản đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu, đạt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc.
|
Thủ tướng: Tuyên Quang phải trở thành cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỉ lệ che phủ rừng, Tuyên Quang nằm trong top 3 tỉnh có diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác gỗ hằng năm lớn nhất vùng trung du-miền núi phía bắc (hằng năm trồng trên 11.500 ha rừng, lũy kế đến nay có hơn 423.000 ha rừng, trong đó có 120.000 ha rừng trồng nguyên liệu, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trung bình 0,8 triệu m3/năm, chiếm hơn 23% sản lượng toàn vùng), là tỉnh có diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất cả nước (35.800 ha, chiếm gần 1/10 cả nước).
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm; năm 2020 đạt trên 14.400 tỷ đồng; nhiều nhà máy công nghiệp lớn như Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép, Nhà máy chế biến gỗ... tiếp tục được đầu tư mở rộng dây truyền sản xuất.
|
Thủ tướng dự Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai dịch bệnh, năm 2020, tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 5,24% (gấp 1,8 lần tăng trưởng GDP cả nước), xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du-miền núi phía bắc. Đến hết năm 2020, quy mô kinh tế đạt hơn 33.000 tỷ đồng, đứng thứ 7/14 của vùng trung du và miền núi phía bắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng (gấp 1,6 lần năm 2015). Thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 2.300 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; năm 2021 trồng rừng tập trung đạt 10.000 ha; 5 năm (2021-2025) trồng rừng tập trung đạt 48.500 ha; tỉ lệ che phủ của rừng trên 65%.
Là tỉnh khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, lãnh đạo Tuyên Quang kiến nghị Trung ương hỗ trợ để tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư từ hình thức BOT sang đầu tư công.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn tỉnh (trong đó có cầu Nông Tiến) và Quốc lộ 2C kết nối Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa và Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.
Đi đầu đóng góp vào “vì một Việt Nam xanh”
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sự thay đổi lớn lao, phát triển toàn diện của Tuyên Quang “so với 10 năm trước đây, khi tôi lên đây trao quyết định công nhận thị xã Tuyên Quang là đô thị loại III”.
Tuy nhiên, Thủ tướng đặt ra câu hỏi lớn là “bao giờ Tuyên Quang hết nghèo, tự cân đối được ngân sách” và làm gì để có được sự cân đối, phát triển đó để Tuyên Quang không còn là tỉnh nghèo. Thủ tướng khẳng định, trong quá trình đó, Trung ương có sự hỗ trợ cần thiết đối với vùng chiến khu cách mạng.
Trước mắt, tỉnh cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống với chương trình hành động, cách làm quyết liệt, cụ thể, đồng bộ.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế bền vững, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần chú trọng công tác quy hoạch, nhất là bảo vệ môi trường, phát triển xanh.
Trong kháng chiến, nhắc tới Tuyên Quang, nhiều người sẽ nhớ tới chiến khu Tân Trào, đặc biệt là cây đa Tân Trào, biểu tượng cách mạng của “Thủ đô Giải phóng”. Ngày nay, Tuyên Quang cần định vị rõ nét hơn nữa lợi thế và sức hấp dẫn đặc trưng về phát triển kinh tế của mình, nhất là kinh tế rừng.
Tuyên Quang phấn đấu đi đầu đóng góp vào “vì một Việt Nam xanh”, Thủ tướng nêu rõ. Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, là một điển hình khác về năng lực thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, một xã hội khá giả, người dân có cuộc sống sung túc nhờ biết tối ưu hóa tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế. Kinh tế rừng là một mũi rất quan trọng của tỉnh Tuyên Quang.
Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng trung du-miền núi phía bắc, đứng thứ 3 cả nước về tỉ lệ rừng che phủ, đây là cơ sở tiền đề tạo lợi thế cho Tuyên Quang phát triển mô hình kinh tế xanh. “Tỉ lệ che phủ rừng là quan trọng nhưng chất lượng rừng cũng quan trọng không kém, cho nên các đồng chí thấy sáng nay chúng ta trồng không phải keo lá chàm mà trồng chò chỉ trên quả đồi mấy ha như vậy, có phải là hướng đi gỗ lớn hiệu quả cao, bảo vệ môi trường tốt không?”, Thủ tướng nói.
Với món quà thiên nhiên mà Tuyên Quang có được, chúng ta có niềm tin người dân làm giàu được từ rừng và đây mới là mục tiêu của phát triển rừng. “Tuyên Quang phải làm được điều này và tôi tin Tuyên Quang có thể làm được vì các kinh nghiệm và kết quả vừa qua”. Thủ tướng cho biết năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kinh tế rừng, xuất khẩu gỗ rừng trồng của Việt Nam tăng, đạt gần 13 tỷ USD và đang phấn đấu trong thời gian ngắn phải đạt 25 tỷ USD từ rừng trồng. Tiềm năng tăng trưởng của ngành là rất lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta.
“Với lợi thế vô cùng lớn của mình, Tuyên Quang phải trở thành cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam và khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tuyên Quang cần tập trung nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm gỗ có năng lực cạnh tranh quốc tế thể hiện ở khả năng xuất khẩu, từ nghiên cứu và phát triển đến xây dựng thương hiệu, thiết kế, sản xuất phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ bán hàng…
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên biệt, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng trọng yếu như giao thông, viễn thông, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phục vụ trực tiếp nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất của các nhà đầu tư, lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm cơ sở.
Hiện nay, toàn tỉnh có 79 sản phẩm OCOP. Thủ tướng đặt vấn đề, đây là một lợi thế so sánh, nhưng điều quan trọng là có biến thành sản phẩm hàng hóa quy mô trên thị trường hay không.
Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục của nước ta cũng như Tuyên Quang cần giáo dục ý thức, đặc biệt cho lớp trẻ, về bảo vệ rừng, trồng cây, bảo vệ môi trường “Vì một Việt Nam xanh”.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị của tỉnh trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Tuyên Quang phát triển.
|
Thủ tướng dâng hương tại Di tích lịch sử Đình Tân Trào và Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại đình Tân Trào và tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Khu di tích là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm các di tích tiêu biểu như: Đình Hồng Thái, Cụm di tích Nà Nưa, Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào…
Đình Tân Trào ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám thành công. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.
Đức Tuân