|
Ảnh minh họa |
Trước đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ có chất vấn: Nhiều ý kiến cho rằng GDP phản ánh được kích cỡ, quy mô của nền kinh tế nhưng không phản ánh được tính hài hòa của sự phát triển, không phản ánh hết những hiệu ứng tiêu cực của tăng trưởng, không chuẩn xác trong đánh giá mức sống, không phản ánh được sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước... Đặc biệt ở Việt Nam kim ngạch xuất nhập khẩu gấp khoảng 2 lần GDP nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Nên GDP phản ánh không sát thực lực nền kinh tế và thu nhập của người dân. Việc đánh giá kết quả và hoạch định chính sách rất cần đầy đủ thông tin nên nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các chỉ tiêu đánh giá, đặc biệt là chỉ tiêu GNI “tổng thu nhập quốc dân”.
Về nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Tổng thu nhập quốc gia (GNI) là chỉ tiêu phản ánh tổng thu nhập của quốc gia từ kết quả sản xuất trong lãnh thổ kinh tế và thu nhập từ các yếu tố sản xuất. Đây là chỉ tiêu kết quả của quá trình phân phối thu nhập lần đầu giữa các đơn vị thường trú và không thường trú của quốc gia.
GNI được đo lường bằng GDP trừ đi tổng thu nhập lần đầu phải trả, cộng với tổng thu nhập lần đầu nhận được. Nói cách khác GNI bằng GDP trừ đi thu nhập của người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam trên 1 năm, cộng với thu nhập của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trên 1 năm, trừ đi thu nhập từ các yếu tố sản xuất phải trả cho các đơn vị không thường trú, cộng với thu nhập từ các yếu tố sản xuất nhận được từ các đơn vị không thường trú.
Thu nhập từ các yếu tố sản xuất (còn gọi là thu nhập sở hữu) là thu nhập từ lợi tức giữa đơn vị thể chế trong nước và nước ngoài do cung cấp tài sản tài chính và tài sản hữu hình không do sản xuất ra. Thu nhập sở hữu được phân thành hai nhóm: Thu nhập từ đầu tư và thu nhập từ cho thuê tài sản. Thu nhập từ đầu tư bao gồm lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận, lợi tức thu nhập tái đầu tư của đầu tư trực tiếp nước ngoài… Thu nhập từ cho thuê tài sản bao gồm tiền thuê tài nguyên, đất đai, vùng trời, vùng biển, vùng phủ sóng…
Xét về phạm vi, chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu GNI không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt giữa GNI và GDP là chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được và thu nhập sở hữu phải trả giữa đơn vị thể chế thường trú và không thường trú. Bản chất của sự khác biệt giữa GDP và GNI là chỉ tiêu GDP đánh giá sản lượng cuối cùng (hoặc thu nhập từ sản xuất) được tạo ra trong nền kinh tế, còn chỉ tiêu GNI đánh giá tổng thu nhập lần đầu nhận được của toàn bộ nền kinh tế.
Chênh lệch giữa GNI với GDP của Việt Nam thường thấp hơn 10%, và có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây, do đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn. Tính đến năm 2018, cơ cấu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20,28% GDP. Việt Nam ngày càng thu hút được lực lượng lao động nước ngoài với chất lượng cao, trong khi lao động của Việt Nam ra nước ngoài vẫn chủ yếu lao động phổ thông. Do đó, chênh lệch về chi trả cho lao động nước ngoài và thu nhập sở hữu của Việt Nam ngày càng lớn, nếu năm 2005 chỉ là 1,84% GDP, thì đến năm 2010 là 3,8% GDP và sơ bộ năm 2018 là 7% GDP.
Tổng sản phẩm trong nước là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng giúp Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đánh giá tình hình xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra giải pháp nâng cao đời sống nhân dân. GDP được hầu hết các quốc gia sử dụng để phản ánh quy mô và sự phát triển của nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trong nước được sử dụng làm căn cứ để tính toán các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác như: Tổng thu nhập quốc gia; Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP…
GNI được tính hàng năm và có độ trễ vì phải thu thập thông tin về thu nhập sở hữu, không sử dụng trong đánh giá tình hình, đề ra các giải pháp điều hành kinh tế hàng quý. GNI chỉ được tính toán theo phạm vi toàn nền kinh tế, không phân tổ được theo khu vực kinh tế và ngành kinh tế. Do đó, không cần bổ sung GNI vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành để trình Quốc hội thông qua hàng năm.