Cam kết được Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Trần Quang Nghị đưa ra tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu, sáng 20/6.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận, đánh giá cao Tập đoàn Dệt may đã hoàn thành toàn bộ 23 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm 2016 tới nay.
Lãnh đạo Tập đoàn và Bộ Công Thương cũng đã báo cáo, làm rõ về các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu theo yêu cầu của Thủ tướng, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,7%.
Dứt khoát thoái sâu vốn nhà nước
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dệt may là ngành hết sức quan trọng, đóng góp tới 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 10% giá trị sản xuất công nghiệp. Với 6 nghìn doanh nghiệp, ngành dệt may giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động.
Dự kiến, ngành sẽ xuất khẩu khoảng 31,3 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,9% so với năm 2016. Riêng Tập đoàn Dệt may dự kiến đạt doanh thu cả năm trên 45.500 tỷ, tăng 10,7% so với cùng kỳ và xuất khẩu 2,78 tỷ USD, tăng 11,4%.
Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu Tập đoàn Dệt may quán triệt, thực hiện nghiêm túc những yêu cầu mà Thủ tướng đã truyền đạt thông qua Tổ công tác.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ 41 dự án đang đầu tư với tổng số vốn 5,5 nghìn tỷ; đẩy mạnh cổ phần hóa; tạo chuỗi giá trị sản phẩm; đổi mới công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, vấn đề đáng quan tâm nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng là thoái vốn sâu, nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối trong lĩnh vực dệt may.
“Kinh nghiệm của May Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Phong Phú đã chứng minh rằng không cổ phần hóa thì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, không thể chinh phục các thị trường khó tính, không thể thu hút đầu tư, không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cao. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, báo cáo sớm về vấn đề này”, Bộ trưởng phát biểu.
Điều này cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề "thu nhập Chủ tịch Tập đoàn hiện trên 30 triệu, Tổng Giám đốc 30 triệu, nhưng muốn tuyển một nhân lực tài giỏi thì không thể dưới 3.000 - 5.000 USD" mà trước đó Chủ tịch Vinatex nêu.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhấn mạnh, mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với vốn nhà nước sẽ được quyết định trong thời gian tới, nhưng việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước vẫn tiến hành bình thường theo lộ trình.
Cũng tại buổi kiểm tra, thông qua Tổ công tác, Chủ tịch Tập đoàn Trần Quang Nghị đã cam kết với Thủ tướng sẽ quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay, tăng 9% so với 2,78 USD như kế hoạch và tăng 20,4% so với năm 2016.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng về thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, với các giải pháp năng động, quyết liệt nhất.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là những con số hết sức tích cực trong bối cảnh dệt may chịu cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ Trung Quốc.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sau các chuyến thăm Hoa Kỳ, Nhật Bản, tới đây Thủ tướng sẽ tiếp tục thăm Đức, Hà Lan, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm tới phát triển doanh nghiệp, tập trung xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Mọi vướng mắc thể chế sẽ được báo cáo Thủ tướng
Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc điều hành Vinatex, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn tồn tại những thách thức lớn với ngành dệt may và Tập đoàn. Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh nặng ký, trong khi chỉ có một số doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thị phần cũng không nhiều.
Ở trong nước, công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển. Tiến bộ công nghệ và tự động hóa là thách thức lớn. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Chi phí đầu vào cao, lãi suất cho vay cao so với khu vực…
“Ngành dệt may đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm. Công đoạn dệt nhuộm đang là “nút thắt cổ chai” khiến vải không đủ phục vụ may”, ông Tân chia sẻ.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Tập đoàn tập trung nêu rõ các vướng mắc, khó khăn cụ thể liên quan tới cơ chế, chính sách, kiến nghị của Tập đoàn thế nào, vì việc nắm bắt những vướng mắc này nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ công tác.
Ông Tân cho biết hiện việc xử lý nguyên liệu thừa, máy móc thiết bị thuê, mượn theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính còn gây khó khăn và chưa thực tế với ngành may. Cụ thể, theo thông lệ, các doanh nghiệp gia công được dư thừa 3% nguyên liệu, nhưng muốn bán số vải này thì doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu không thì hoặc tái xuất, hoặc tiêu hủy.
Đại diện một doanh nghiệp thành viên cho biết thêm, vấn đề này đã được kiến nghị hàng chục năm nhưng chưa được giải quyết. “Tặng cũng không được, cho cũng không được, tiêu hủy thì lãng phí mà tái xuất thì người ta không nhận. Còn nếu nộp thuế thì thực tế số tiền bán vải không đủ nộp thuế”, vị này nói.
Cũng về Thông tư 38, đại diện Vinatex cho biết có nhiều loại thiết bị máy móc mà trong nước chưa sản xuất được, Tập đoàn buộc phải thuê, mượn của nước ngoài, nhưng khi hết thời gian khấu hao rồi muốn nhập khẩu để lấy linh kiện thì vẫn bị truy thu thuế nhập khẩu.
Một vấn đề khác là nhiều địa phương thường xuyên thay đổi chính sách thuê đất trong khu công nghiệp, thậm chí thay đổi giữa chừng và áp dụng hồi tố.
Lắng nghe các kiến nghị của Vinatex, Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định các kiến nghị sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, giải quyết.
“Nguyên liệu dư thừa 3% mà buộc phải tiêu hủy thì rất khó chấp nhận, rất vô lý. Tái xuất cũng không ai nhận vì đây là vải “đầu thừa, đuôi thẹo” chứ không phải cuộn vải đầy đủ. Nhưng nếu tiết kiệm, tận dụng được để may các sản phẩm thì rất tốt”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
“Thủ tướng vẫn nhớ khi gặp doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, anh Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex có nói một mét vải nhập khẩu phải qua kiểm tra 3 lần. Điều này liên quan tới chính sách thuế, hải quan”, Bộ trưởng cho biết và đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục xem xét, kiến nghị cải cách hành chính theo tinh thần cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Hà Chính