Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chiều ngày 3/9, trong chương trình công tác tại Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, định hướng thời gian tới, trao đổi, giải quyết các kiến nghị của tỉnh.
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại trường tiểu học thị trấn Yên Lập, trường THPT Yên Lập, thăm công trình xây dựng trường THPT Chuyên Hùng Vương; làm việc, tháo gỡ khó khăn cho mô hình tự chủ tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ; kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Vùng đất lịch sử, thiêng liêng, nhiều điều kiện phát triển
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng và các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những điều kiện, tiền đề để Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Phú Thọ có vị trí tương đối trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên không rộng, chỉ 3.534,6 km² (thứ 38/63 cả nước) nhưng dân số gần 1,6 triệu người (thứ 21/63 cả nước) gồm hơn 20 dân tộc. Người dân Phú Thọ có tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, có khát vọng vươn lên.
Thủ tướng và các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những điều kiện, tiền đề để Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía bắc - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phú Thọ có vị trí quan trọng, tiếp giáp giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng; vị trí "ngã ba sông", cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía bắc; nằm trên Hành lang Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gần Sân bay Nội Bài, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai... có điều kiện thuận lợi, cơ hội hợp tác, liên kết phát triển kinh tế toàn diện.
Phú Thọ là vùng đất lịch sử, linh thiêng, có nhiều di tích, danh thắng (1.372 di tích, với 308 di tích được xếp hạng), 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương), nhiều lễ hội văn hóa, tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn; nguồn nhân lực dồi dào; đã thu hút được nhiều dự án FDI vào lĩnh vực sản phẩm điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Báo cáo của tỉnh Phú Thọ và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH và đạt được kết quả tích cực.
Tốc độ tăng GRDP đạt 6,28%, đứng thứ 21/63 cả nước và thứ 5 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế đạt 80.958 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (Công nghiệp - xây dựng 38,0%; Dịch vụ 40,4%; Nông lâm nghiệp 21,6%). Công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, xếp thứ 10/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,6%, đứng thứ 8/63 cả nước. Thu NSNN đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Chỉ số PCI xếp thứ 20/63, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc; Chỉ số PAPI xếp thứ 6/63, tăng 32 bậc; Chỉ số PAR Index xếp thứ 9/63, tăng 01 bậc; Chỉ số SIPAS xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc.
Văn hóa, xã hội phát triển toàn diện; tỉ lệ hộ nghèo còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016- 2020. Giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Xây dựng nông thôn mới được chú trọng, 04/13 đơn vị cấp huyện, 122/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19; chủ động, linh hoạt ứng phó, kịp thời có các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
KTXH tỉnh Phú Thọ trong 8 tháng đầu năm tiếp tục đà phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 7,8% (đứng thứ 6/14 tỉnh vùng trung du miền núi). Thu NSNN 8 tháng đầu năm đạt 6.289 tỷ đồng, bằng 111% dự toán năm. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng bằng 55,9% kế hoạch, xếp 03/63 cả nước.
Công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả. Thu hút vốn đầu tư tiếp tục tăng nhanh cả về quy mô và số lượng dự án mới, một số dự án quy mô lớn, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên góp ý với tỉnh Phú Thọ một số giải pháp phát triển KT-XH - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư mới, cải tạo 18 tuyến đường giao thông trọng điểm, mục tiêu tới năm 2025, mở thông các tuyến giao thông đối ngoại với các tỉnh xung quanh.
Phải vươn lên mạnh mẽ, toàn diện hơn, xứng đáng với vùng Đất Tổ
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu, kết quả đạt được trong thời gian qua của tỉnh Phú Thọ, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Phú Thọ về bộ mặt nông thôn, thành thị ngày càng khang trang; đoàn kết, thống nhất được giữ vững; sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho y tế và giáo dục; công tác phòng chống dịch được làm tốt; phục hồi kinh tế - xã hội nhanh so với cả nước…
Thủ tướng đề nghị Phú Thọ cần phát huy mạnh mẽ, đi lên từ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mà các đại biểu đã chỉ ra. Thủ tướng nhấn mạnh điểm đặc biệt của Phú Thọ là vùng Đất Tổ linh thiêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa có đột phá; tăng trưởng các ngành chưa đồng đều; chưa tự cân đối được chi thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch sang kinh tế nông nghiệp còn chậm, cần toàn diện hơn. Chưa thu hút được nhiều dự án lớn và nhà đầu tư có năng lực. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng chưa cao. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Môi trường đầu tư kinh doanh cần cố gắng hơn. Doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ. Liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh còn hạn chế. Giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành, theo đó, tỉnh phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc, nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xứng đáng với vùng Đất Tổ", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Phú Thọ cần lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ. Trong công việc, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tỉnh phải phát huy tối đa lợi thế về truyền thống văn hóa, nguồn lực con người, tinh thần đoàn kết, vượt khó; phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề đặt ra, cùng các địa phương trong vùng tạo đột phá trong giao thông kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng lưu ý, trước hết cần tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển KTXH, đặc biệt đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thác lợi thế, đa dạng và nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh, phát triển các chuỗi và chuỗi liên kết; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cơ cấu lại để công nghiệp thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển; hình thành các khu công nghiệp hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm... giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị. Triển khai hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới. Quản lý chặt chẽ và nâng cao sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh như du lịch, vận tải, logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương.
Tận dung tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; hạ tầng chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Phú Thọ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh. Nâng cao chất lượng y tế, nhất là tuyến cơ sở.
Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; không ngừng cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Phú Thọ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Giữ vững, củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.
Mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Phú Thọ, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng Phú Thọ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn phát triển.
Trong đó, tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (đối với dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên), đất rừng (đối với dự án có sử dụng 50 ha đất rừng sản xuất, 20 ha đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trở lên); đồng thời ủy quyền cho UBND tỉnh một số nhiệm vụ liên quan công tác quy hoạch; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm…
Thủ tướng đề nghị trước mắt, UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện theo quy định hiện hành; giao các Bộ liên quan nghiên cứu kiến nghị của Phú Thọ và các địa phương khác về các nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị… và các văn bản quy phạm pháp luật, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân đối nguồn vốn Trung ương và địa phương để triển khai một số dự án theo kiến nghị của Phú Thọ vào thời điểm phù hợp; nghiên cứu tiếp tục đầu tư cho Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng bằng nguồn vốn Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa.
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền quyết định với một số kiến nghị của tỉnh liên quan tới lĩnh vực y tế, trong đó có việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại các khoản vốn đầu tư cho các cơ sở y tế khi triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa (tổng nguồn vốn vay đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 2.500 tỷ đồng với lãi suất khoảng 10-11%, trong đó dự án xây dựng mới Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ là 1.447 tỷ đồng)…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu chuyện "dao mổ y tế rạch 3 lần mới qua da" mà ông được trực tiếp lắng nghe tại hội nghị trực tuyến ngày 21/8 vừa qua . Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động, "mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất".
Với dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cân đối, bố trí thêm kinh phí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, gồm cả vốn Trung ương và địa phương, triển khai ngay việc xây dựng 4 làn xe (hiện đang đầu tư giai đoạn 1 chỉ có 2 làn), thay vì đợi tới sau năm 2025 như dự kiến trước đây. Đồng thời, giao Phú Thọ, Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư đoạn đường qua địa phận mỗi tỉnh, hoàn thành toàn dự án chậm nhất vào tháng 9/2023. Thủ tướng lưu ý bố trí các nút giao với đường cao tốc một cách phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả của các tuyến đường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Văn